Ngày 23/4 đánh dấu tròn sáu tháng Thu Nhi không bảo vệ đai. Và theo quy định của WBO, cô bị tổ chức này thu hồi danh hiệu vô địch thế giới hạng ruồi nhẹ. Danh hiệu sẽ trống, và WBO sẽ chọn hai võ sĩ khác thượng đài để tranh đai. Thu Nhi có quyền kháng cáo, nhưng cơ hội thành công xấp xỉ bằng không.
Trong quyền Anh, việc võ sĩ bị thu hồi đai như Thu Nhi không hiếm. Lịch sử WBO nữ từ năm 2009 ghi nhận 28 trường hợp tương tự. Nguyên nhân WBO tước đai hầu hết là võ sĩ không đánh trận bảo vệ đai trong thời gian quy định, trong trường hợp của Thu Nhi là 180 ngày. Còn lý do từ phía võ sĩ không phải ai cũng giống nhau.
Việc võ sĩ bị thu hồi đai do mâu thuẫn với đơn vị chủ quản như trường hợp của Thu Nhi, hiếm xảy ra tại WBO. Có ba trường hợp bị tước đai mà không có lý do chính thức từ phía võ sĩ là Yesica Patricia Marcos, Ramona Kuehne và Ana Laura Esteche.
Có hai lý do chính khiến các võ sĩ sẵn sàng bị thu hồi đai. Hoặc họ đặt mục tiêu chuyển hạng cân, hoặc tranh các đai vô địch từ các tổ chức danh giá khác như WBA, WBC hay IBF.
Các lý do còn lại có thể là giải nghệ, chấn thương hoặc nghỉ sinh con. Năm trường hợp bị thu hồi đai vì giải nghệ, gồm Mako Yamada, Hong Su-yun, Raja Amasheh, Fernanda Soledad và Jeannine Garside, hai trường hợp nghỉ sinh con là Yesica Bopp và Carolina Duer, và một trường hợp chấn thương Arely Mucino.
Riêng ở hạng ruồi nhẹ của Thu Nhi, có hai nhà vô địch từng bị thu hồi đai, là Teeraporn Pannimit (Thái Lan) và Yamada. Yamada không bảo vệ đai do cô giải nghệ, để tập trung vào kickboxing. Teeraporn bị tước đai do cô đặt mục tiêu chuyển lên đấu ở hạng nặng hơn (hạng ruồi), nhưng thất bại trong trận tranh đai. Trong thời gian này, WBO cũng không tổ chức trận tranh đai nào cho hạng ruồi nhẹ. Sau một năm, Teeraporn lại được chọn đấu trận chung kết với võ sĩ Philippines Gretchen Abaniel, và cô thắng để lần thứ hai giành đai WBO.
Cơ hội để Thu Nhi đoạt lại đai WBO thế giới không cao, nếu xét theo tiền lệ. Trong 28 trường hợp bị tước đai kể trên, chỉ bốn võ sĩ trở lại và thắng trận tranh đai của chính WBO sau này, gồm Teeraporn, Melissa McMorrow, Ana Julaton và Fernanda Soledad. Ngoài McMorrow, ba võ sĩ còn lại đều là những nhà vô địch đầu tiên ở hạng cân của họ tại WBO. Sau khi tước đai của ba võ sĩ này, WBO không tổ chức trận chung kết nào khác, cho đến khi Teeraporn, Julaton và Soledad được mời trở lại tranh đai.
McMorrow từng vô địch WBO hạng ruồi tháng 5/2012. Cô hai lần bảo vệ đai, rồi chấp nhận bị tước danh hiệu để sang tranh đai WBC. Sau khi thất bại ở cả hai trận tranh đai ruồi và siêu ruồi ở WBC, võ sĩ Mỹ ngay lập tức được chọn làm người thách đấu đai ruồi WBO. Cô thành công khi đoạt đai của đối thủ Mexico Kenia Enriquez tháng 11/2014.
Hơn nữa, các võ sĩ một khi đã chấp nhận bỏ đai WBO, họ thường chuyển hạng cân hoặc tranh đai từ các tổ chức khác. Họ cũng không còn động lực để giành lại đai WBO, và trường hợp này có thể cũng đúng với Thu Nhi.
Thu Nhi đang đứng thứ năm thế giới hạng ruồi nhẹ, theo Boxrec, vì thế cô có cơ hội tranh đai thế giới của các tổ chức khác trong tương lai. Ba người đứng đầu thế giới lần lượt là đương kim vô địch Seniesa Estrada (WBA), Tina Rupprecht (WBC) và Yokasta Valle (IBF). Nếu may mắn, Thu Nhi có thể được một tổ chức chọn để thách đấu những nhà vô địch nói trên.
Nếu không, đơn vị chủ quản của cô cũng có thể tổ chức trận đấu giữa cô và một võ sĩ hàng đầu khác để cải thiện thứ bậc cho tay đấm gốc An Giang. Một khi cải thiện kết quả, trình độ và vị trí, Thu Nhi sẽ sẵn sàng tranh các đai khác nếu được chọn.
Nhưng dù thế nào, Thu Nhi vẫn cần giải quyết mâu thuẫn với đơn vị chủ quản, để giúp cô sớm trở lại võ đài nhà nghề. Sự nghiệp của võ sĩ 26 tuổi mới ở giai đoạn đầu, với chỉ năm lần thượng đài. Cô hoàn toàn có thể thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên đoạt đai thế giới của hai tổ chức khác nhau, như trọng tài Sawaeng Thaweekoon nói với VnExpress: "Nếu Thu Nhi giữ được lối đánh hiện tại, cô ấy sẽ là nhà vô địch một thời gian dài nữa".
Xuân Bình