Sáng 24/12, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang dẫn khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn về thu nhập của công nhân. Lương tháng thực nhận của công nhân phân theo vùng dao động 6,8-8,3 triệu đồng mỗi tháng.
Trong 5 năm qua, công nhân có việc làm tăng 26%; lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần; thu nhập bình quân tăng 35%. Gần 22 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán; 13.800 nhà Mái ấm công đoàn được hỗ trợ xây mới và sửa chữa.
Đến năm 2019, sau 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đã có gần 13 triệu người tham gia.
Theo ông Khang, vẫn còn một bộ phận lớn công nhân có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Năm 2020, tác động của Covid-19 làm 31,8 triệu lao động bị ảnh hưởng; trong đó gần 69% bị giảm thu nhập; gần 40% giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 14% tạm nghỉ việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chỉ chiếm 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng hàng năm công nhân đóng góp hơn 65% GDP và hơn 70% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, công nhân và người lao động đang đối mặt với không ít thách thức. Thu nhập của một bộ phận chưa đủ sống, học hành của con, chỗ ở của gia đình còn nhiều khó khăn hay hình ảnh công nhân xanh xao gầy gò "là nỗi trăn trở của tất cả chúng ta".
"Trước hết các địa phương, khu công nghiệp phải lo nhà ở cho người lao động, phải dành quỹ đất cho việc này và chúng ta thực hiện thiết chế công đoàn tốt hơn, trong đó có vấn đề nhà ở, trường học, căng tin, nhà trẻ", Thủ tướng nói và khẳng định Nhà nước sẽ bố trí nguồn lực hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân.