Chuyển từ ngành ngân hàng sang làm môi giới nhà đất tại quận 2, 9, Thủ Đức gần 5 năm, ông Hào may mắn chứng kiến thời kỳ sốt đất 2016-2018 tại khu Đông TP HCM. Thu nhập của ông luôn đạt trung bình trên 30 triệu đồng mỗi tháng, lúc thanh khoản thị trường lên cao trong năm 2017, có tháng ông kiếm được cả trăm triệu đồng.
Từ giữa năm 2019 thị trường chững lại, mua bán khá trầm lắng, nguồn thu của ông giảm xuống còn khoảng 20 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, do tác động của Covid-19, ông Hào không có giao dịch nào. Môi giới này tâm sự phải thắt lưng buộc bụng khi lại vướng căn nhà đang trả góp trong bối cảnh mãi lực của thị trường lao dốc ở nhiều phân khúc.
"Dịch bệnh khiến hầu hết các vụ mua bán bị đứng lại. Bên bán vẫn hét giá cao nhưng bên mua mặc cả đòi hạ giá rất quyết liệt. Giao dịch giằng co không chốt được vì rào cản tâm lý. Có lẽ phải đến quý III thanh khoản mới cải thiện được", ông Hào chia sẻ.
Không khá hơn, anh Kiệt - một môi giới dự án chỉ nhận lương cơ bản chưa tới 3 triệu đồng, không đủ chi phí trả tiền thuê nhà cho gia đình. Theo anh, mùa dịch cộng thêm vướng mắc pháp lý, không chỉ chủ đầu tư không thể mở bán dự án, thị trường thứ cấp mua đi bán lại các sản phẩm thuộc dự án cũ cũng trầm lắng.
"Tôi đã đầu quân cho công ty bất động sản lớn hơn, đang mở bán nhiều sản phẩm trong tháng 5 nhưng không biết lần đặt cược này có khá hơn hay không", anh Kiệt lo lắng nói.
Trong khi đó, giám đốc một sàn địa ốc quy mô vừa và nhỏ có trụ sở tại quận 2, TP HCM tiết lộ, kể từ khi có dịch, công ty ông trải qua giai đoạn tái cấu trúc để thích ứng. Tháng 2-4/2020, ông cho nghỉ việc những nhân viên sale làm việc không hiệu quả, khuyến khích họ chuyển công việc khác phù hợp hơn, kể cả quản lý cấp trung là trưởng phòng cũng thanh lọc bớt hoặc giảm lương. Mức tinh giản này giúp công ty hạ quỹ lương từ xấp xỉ 400 triệu đồng mỗi tháng xuống còn 200 triệu đồng để cầm cự mùa dịch.
Với nhân sự mỏng hơn, các quản lý và giám đốc phải làm việc gấp đôi, dạt về các tỉnh thành lân cận, giáp ranh Sài Gòn để săn tìm nguồn hàng và trực tiếp xúc tiến pháp lý để hạn chế rủi ro. "Hy vọng khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, mua bán dần trở lại bình thường để nhân viên còn có cơ hội cải thiện thu nhập vì họ đã phải chịu cảnh cắt giảm lương và không có phí môi giới nhiều tháng liền", ông cho hay.
Ông Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty Tín Thành cũng dẫn một khảo sát sơ bộ tại TP HCM, từ tháng 2 đến tháng 4, cho thấy trên 80% cò nhà đất lẻ trong các khu dân cư hiện hữu có thu nhập bằng không vì giãn cách xã hội kéo theo thanh khoản xuống thấp, thậm chí các bên mua và bán đều thống nhất dừng chờ qua dịch đàm phán lại. Sự trì hoãn này khiến cho cò nhà đất lẻ thất thu, rơi vào cảnh không có lương (vì hoạt động tự do), cũng không nhận được phí hoa hồng.
Trong khi đó, đa số nhân viên sales nhà đất dự án cũng mất nguồn thu nhập chính là khoản phí môi giới vì cách ly xã hội khiến các lễ mở bán hoãn lại. Nhân viên sale may mắn hơn cò nhà đất lẻ vì còn được nhận khoản lương cơ bản (vì làm việc cho công ty) song đây chỉ là khoản tiền ít ỏi.
Kể cả các sàn có doanh số bán hàng cũng gặp khó. Việc chi trả phí môi giới từ các chủ đầu tư cũng bị trì hoãn chậm hơn so với thường lệ vì khó khăn tạm thời về dòng tiền trong mùa dịch. Việc thu hồi công nợ khó dẫn đến hệ lụy là các sàn địa ốc phải tính tới cắt nhân sự để giảm chi phí. Những môi giới làm việc kém hiệu quả có thể đối mặt với thực tế tiêu cực là mất việc, thu nhập bấp bênh.
Tuy Covid-19 khiến thu nhập của nhân viên ngành địa ốc giảm sâu, theo ông Duyệt, điểm tích cực là đại dịch đang sàng lọc mạnh mẽ lực lượng môi giới chỉ phát triển về lượng hơn là về chất trên thị trường bất động sản. Đây có thể là động lực thúc đẩy nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề môi giới bất động sản giai đoạn hậu cách ly xã hội.
Trung Tín