Cách đây 17 năm, năm 2000, khi Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tiếp theo, tôi được tham gia đóng góp ý kiến ở một vài nơi. Tôi đã nói Việt Nam cần nhất một chiến lược có tên như vậy.
Khi đó, mọi người nghe và cười, nhưng cũng có sự đồng tình và chia sẻ nhất định. Tôi hiểu mọi người cười vì cách nói của tôi, đôi khi tôi hay hài hước hóa các vấn đề kinh tế khô khan. Nhưng sự đồng tình chỉ dừng ở đó. Mặc dù sau này tôi vẫn tiếp tục chia sẻ quan điểm này ở một số nơi tôi được mời phát biểu.
Có thể đề xuất đàng hoàng hóa thu nhập, tài sản cán bộ nhà nước của tôi được xem là có lý, song đã không thực sự được nhìn nhận đầy đủ, nghiêm túc, và đến nay nó vẫn chưa thành hiện thực.
Có lẽ những người có trọng trách đã quá bận hay còn nhiều việc khác quan trọng hơn. Hay do cách bày tỏ của tôi chưa đủ mạnh mẽ, chưa đủ thuyết phục. Vả lại, tôi chỉ là chuyên gia với tiếng nói riêng của mình.
Nhưng rồi giờ ta lại đang thực sự nhắc đến nó.
Những ngày gần đây, chúng ta đang nghe không ít câu chuyện “lùm xùm” về thu nhập, tài sản cán bộ nhà nước ở tỉnh này, tỉnh kia, những phần chìm có thể chưa biết của tảng băng… Nhiều ví dụ báo chí đã nêu. Hay cách mà Quốc hội đang thảo luận để chỉnh sửa Luật Phòng chống tham nhũng và các vấn đề liên quan cho thấy bản chất sâu xa của vấn đề còn nằm ở nhiều khía cạnh khác.
Cái mà tôi thấy và cảm nhận rõ nhất là việc kê khai tài sản của cán bộ nhà nước (thuộc diện phải kê khai) còn mang nặng tính hình thức. Thứ nữa là khả năng và cơ hội giám sát việc này của người dân và cả Quốc hội lại rất thấp.
Vì sao? Bởi vì việc kê khai và minh bạch hóa tài sản cán bộ nhà nước, nhất là những người “quyền cao, chức trọng”, là một nhân tố rất quan trọng trong tạo dựng niềm tin của công chúng một đất nước vào hệ thống pháp luật và cách thức quản trị quốc gia. “Mù mờ” trong xử sự vấn đề này dễ gây mất lòng tin công chúng. Và quan trọng hơn, lòng tin mà mất đi là nỗi đau lớn nhất của một nhà nước, một xã hội.
Điều này gắn với một ý khác. Tôi tin rằng khi có được phương cách thu nhập đàng hoàng thì sẽ có người sẵn sàng nhận một đồng “đàng hoàng” thay cho hai, ba đồng “không đàng hoàng”.
Và để giải quyết sự đàng hoàng hóa thu nhập, thì trước hết là phải tạo ra bằng được sự minh bạch và khả năng giải trình. Với bất kỳ cơ chế nào, bộ máy nào mà không đảm bảo hai yếu tố này thì câu chuyện vẫn chỉ là hình thức và không đủ để tạo lòng tin của công chúng.
Làm gì để có sự minh bạch?
Ngoài những yếu tố được mổ xẻ, bàn nhiều, nào là diện kê khai, nào là các kênh công bố thông tin, và nào là cách thức giám sát… mà tất cả đều cần thiết, đáng suy ngẫm. Song tôi cho rằng có một nguyên lý rất quan trọng cần tính đến, dù với quản trị nhà nước hay quản trị tư nhân, đó là nguyên lý động lực.
Thực sự chúng ta đã chưa quan tâm đầy đủ đến việc xem xét và cải cách hệ thống động lực cho cán bộ nhà nước.
Vấn đề hay được bàn thảo là tiền lương, rằng vì lương không đủ sống nên cán bộ, công chức phải kiếm tiền tay trái, kể cả dưới gầm bàn… thiếu đàng hoàng, minh bạch. Nhưng lương dù rất quan trọng, vẫn không là tất cả. Đó còn là việc ‘chấm điểm’, đánh giá giá trị cán bộ; nói rộng hơn là việc tạo ra ‘hệ sinh thái’ cán bộ mà ở đó cơ hội tuyển chọn, “thăng quan tiến chức”, nâng cấp bậc và cả giám sát người có trách nhiệm… “Hệ sinh thái” này phải được vận hành đi kèm với công khai, minh bạch và một chế độ thưởng, phạt đủ ý nghĩa.
Lấy một ví dụ đơn giản. Những người làm khoa học ở viện nghiên cứu như chúng tôi phải được nhìn nhận, đánh giá bằng cách thức khác cán bộ trong bộ máy công quyền, hành chính. Nhưng trên thực tế, thang chuẩn đánh giá cán bộ trong bộ máy công quyền, hành chính (vốn cũng cần nhìn nhận lại) cũng được sử dụng cho cả người làm khoa học.
Cách đánh giá khiên cưỡng đó không chỉ đo sai giá trị mà làm méo mó cả động lực và hành vi làm việc đàng hoàng của cán bộ khoa học. Đó là chưa nói tới việc cán bộ còn mất thời gian, công sức để đối phó với thang “chuẩn”.
Đó cũng là điều khiến tôi nhớ lại đề xuất chiến lược “đàng hoàng hóa thu nhập, tài sản”.
Bao năm qua dường như chúng ta vẫn chỉ loay hoay. Chỉ riêng việc cải cách tiền lương thôi đã kẹt như thế nào. Ngân sách khó khăn, mà bộ máy thì càng phình to, phức tạp nhưng thiếu kết nối, phối hợp lại không suôn sẻ.
Tất cả cho thấy cần có cái nhìn đầy đủ, nghiêm túc, bài bản vấn đề thu nhập, tài sản cán bộ nhà nước trong tổng thể cải cách, từ chức năng tổ chức bộ máy nhà nước, cách thức tuyển chọn, yêu cầu chức danh, hệ thống động lực, cách thức giám sát cùng sự minh bạch, giải trình và trách nhiệm... Thế mà đã 17 năm. Mà càng ngâm vấn đề lâu thì xử lý càng khó, phí tổn xử lý càng cao.
Không nghi ngờ gì, mục tiêu và tinh thần của quy định kê khai tài sản cán bộ là tốt. Nhưng cách làm thế nào lại là câu chuyện dài. Từ đó thấy rằng Nhà nước, Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa, và quan trong nhất là cần có những cải tổ sâu rộng nhiều vấn đề để tạo ra văn hóa minh bạch và giải trình.
Đất nước đã có không ít người giàu và sẽ còn có thêm nhiều người giàu, thậm chí rất giàu. Đó là điều vẫn thấy trong tiến trình phát triển.
Nhưng để là một đất nước công bằng, văn minh thì lại khó hơn rất nhiều.