Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lao động - việc làm cũng là vấn đề được quan tâm tại Diễn đàn kinh tế Mùa thu, đang diễn ra tại Huế. Các chuyên gia cho rằng, thu nhập của người lao động là chỉ số quan trọng nhất phản ánh chất lượng của việc làm và quyết định chi tiêu người dân, qua đó tác động lên tổng cầu của nền kinh tế. Do đó, chỉ số này cần phải được tìm hiểu để có thể đánh giá được chất lượng của việc làm trên thị trường lao động
Tuy nhiên, việc theo nghiên cứu của hai tác giả Nguyễn Thắng và Phạm Minh Thái (Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) việc đánh giá thực trạng lao động Việt Nam hiện rất khó khăn. Nguyên nhân chính là số liệu điều tra dựa trên các số liệu của Tổng cục Thống kê chưa cung cấp được thông tin về thu nhập của những lao động không thuộc hình thức làm công ăn lương. Đó là những người tự làm hoặc lao động cho gia đình, không hưởng lương do đơn vị, tổ chức nào chi trả.
Trong khi đó, nhóm lao động trong các tổ chức chỉ chiếm tỷ lệ khoảng một phần ba tổng số người làm việc. Thậm chí tỷ lệ này còn giảm nhẹ từ 35,4% trong 6 tháng đầu năm 2011 xuống còn 34,6% trong 6 tháng đầu năm 2013.
“Như vậy, thu nhập của khoảng hai phần ba tổng số người làm việc trong nền kinh tế hiện nay vẫn nằm trong ‘hộp đen’”, nhóm tác giả nhận định.
Phân tích thu nhập của lao động làm công ăn lương, các chuyên gia cũng nhận định có sự tăng lên đáng kể về mức trung bình danh nghĩa của nhóm này trong 6 tháng đầu năm 2013. Cụ thể, mức lương đạt khoảng 4,1 triệu đồng mỗi tháng, tăng hơn10% so với cùng kỳ 2012.
Trong nhóm này cũng có sự khác nhau về mức cũng như tốc độ tăng giữa khu vực doanh nghiệp. Người làm trong doanh nghiệp Nhà nước có mức thu nhập cao nhất vào khoảng 6,2 triệu đồng một tháng, tăng 7,6% so với 6 tháng năm 2012. Xếp thứ 2 là khu vực FDI. Cả hai mức này đều xấp xỉ tốc độ của CPI. Trong khi đó, tuy có tốc độ tăng tới 13,5% nhưng lao động trong các hộ kinh doanh tập thể phi nông nghiệp có mức thu nhập thấp nhất, trung bình chỉ khoảng 3 triệu đồng một tháng.
Nếu xem xét dưới góc độ các ngành, lao động làm trong các doanh nghiệp khai khoáng nhận lương cao nhất là 5,9 triệu đồng một tháng. Ngành nông nghiệp và xây dựng có mức thu nhập thấp nhất lần lượt là 2,6 và 3,6 triệu đồng.
Số liệu cũng cho thấy, trong khoảng thời gian nêu trên, số lao động không tham gia bảo hiểm xã hội đã tăng gần 4% so với cùng kỳ 2012. Tỷ lệ này còn tăng nhanh hơn đối với nam giới. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy có sự dịch chuyển đáng kể từ khu vực việc làm chính thức sang việc làm phi chính thức trên thị trường lao động.
Về tình hình thất nghiệp thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi), nhóm tác giả cũng đưa ra số liệu cho thấy tỷ lệ này ở khu vực đô thị trong giai đoạn 2011 đến 2013 là tương đối cao và tiếp tục xu huớng tăng. Nhóm chuyên gia cho rằng, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng lên là một dấu hiệu cảnh báo sự khó khăn trong thị trường lao động trong tương lai.
"Không đi làm và không đi học sẽ làm cho trình độ và kỹ năng lao động của thanh niên vốn khó được cải thiện và thậm chí bị mai một đi nếu tình trạng kéo dài”, các tác giả nhận định.
Theo báo cáo gần đây nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp 9 tháng năm 2013 ước tính là 2,22%, trong đó cả khu vực thành thị và nông thôn đều có xu hương tăng so với cùng kỳ.
Ngọc Tuyên