Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,1 triệu đồng và nữ 6 triệu đồng. Riêng quý IV/2023, đời sống lao động cải thiện khi thu nhập bình quân đạt 7,3 triệu đồng mỗi tháng, tăng 180.000 đồng so với quý III.
Tốc độ tăng thu nhập đạt 2,5%, gần gấp đôi so với 1,4% quý IV/2022 - thời điểm đại dịch vừa chấm dứt. Lý do là những tháng cuối năm, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh, đơn hàng cải thiện đẩy mức thu nhập của người lao động cao hơn so với trước.
Mặt bằng thu nhập quý IV/2023 của lao động tất cả các vùng kinh tế đều tăng. Mức tăng nhanh nhất là Đồng bằng sông Hồng, đạt 8,7 triệu đồng mỗi tháng (tăng 3,5%).
Đông Nam Bộ là khu vực ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập thấp nhất, khoảng 2,3%, đạt 9 triệu đồng mỗi tháng. So với cùng kỳ năm 2022, mức tăng thu nhập lao động một số tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, chế xuất, khá thấp, như Đồng Nai 8,9 triệu đồng (tăng 1,6%); TP HCM 9,4 triệu đồng (1,9%). Ngược lại, một số địa phương lại có mức tăng trưởng khá, như Bình Dương 9,5 triệu đồng (tăng 6,4%); Vũng Tàu 8,7 triệu đồng (12,8%).
Dù ghi nhận thu nhập tăng chậm so với các vùng khác, song Đông Nam Bộ không còn dẫn đầu về tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Riêng tỷ lệ thất nghiệp tại TP HCM giảm còn 2,91% do nhiều doanh nghiệp tìm kiếm lại đơn hàng, mở rộng sản xuất, nên có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động. Thành phố đồng thời tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm trực tiếp lẫn trực tuyến để kết nối lao động và doanh nghiệp.
Các địa phương tăng kết nối giao dịch việc làm giúp cải thiện số lao động có việc làm, đạt 51,3 triệu người, tăng 130.000 người so với quý III/2023. Tính chung cả năm 2023, lao động có việc làm ước đạt 51,3 triệu người, tăng 683.000 người so với năm 2022.
Số người nghỉ giãn việc, mất việc những tháng cuối năm tiếp tục giảm so với quý III. Trong đó, lao động mất việc còn 85.000 người, giảm gần 33.000 người; người nghỉ giãn việc còn 77.800 người, giảm hơn 187.000 người so với quý III.
Hồng Chiêu