Cuộc thử nghiệm động cơ tầng thứ hai của tên lửa Epsilon S sắp ra mắt của Nhật Bản đã kết thúc bằng một vụ nổ sau khoảng 49 giây. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai năm, động cơ này gặp sự cố khi thử nghiệm. Vụ nổ gây ra đám cháy lớn với những cột khói bốc lên cao, dù hiện chưa ghi nhận trường hợp thương tích nào.
Tên lửa nhiên liệu rắn Epsilon S do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển. Sự cố của động cơ cao 3,2 m đặt ra câu hỏi về tiến độ phát triển mẫu tên lửa. Phương tiện này được cho là sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 3/2025, giúp đưa một vệ tinh Việt Nam lên quỹ đạo.
Vài giờ sau vụ nổ, JAXA vẫn chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan này sẽ cần ít nhất vài tháng để xác định nguyên nhân, thực hiện các điều chỉnh và nếu cần thiết, tiến hành một thử nghiệm đốt cháy khác, theo Takayuki Imoto, quản lý dự án tại JAXA. Ông cũng cho biết, sự cố mới nhất sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thực hiện sứ mệnh không gian của JAXA.
"Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì không thể đáp ứng được kỳ vọng. Chúng tôi có thể học hỏi từ thất bại và sẽ tận dụng cơ hội này để phát triển một tên lửa đáng tin cậy hơn", Imoto phát biểu tại buổi họp báo sau vụ nổ.
Tháng 7/2023, một động cơ của Epsilon S cũng phát nổ khoảng 50 giây sau khi khai hỏa trong một thử nghiệm khác. Lần đó, một mảnh kim loại từ bộ phận đánh lửa bị chảy và làm hỏng lớp cách nhiệt bao bọc động cơ, khiến nhiên liệu bắt lửa.
Tên lửa Epsilon S được thiết kế như một phương tiện phóng vệ tinh, giúp tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Các quan chức chính phủ Nhật Bản mô tả đây là phương tiện chủ lực cho ngành vũ trụ đang phát triển của nước này.
"Việc phát triển các tên lửa chủ lực như Epsilon S cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo tính tự chủ trong quá trình phát triển không gian của Nhật Bản", Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi chia sẻ.
Thu Thảo (Theo AFP, Space)