Nằm trong chuỗi thử nghiệm tối quan trọng trước khi Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) cất cánh lần đầu tiên, NASA lên kế hoạch khai hỏa 4 động cơ chính của tên lửa đẩy hạng nặng này vào 5h sáng ngày 17/1. Thử nghiệm mô phỏng hoạt động của tầng đẩy lõi trong lúc phóng diễn ra tại Trung tâm Vũ trụ Stennis của NASA ở bang Mississippi.
Thử nghiệm động cơ hôm nay là bước cuối cùng trong chuỗi thử nghiệm "Green Run" được thiết kế để đảm bảo tên lửa SLS sẵn sàng cho nhiệm vụ phóng đầu tiên mang tên Artemis 1 với mục tiêu đưa tàu vũ trụ không người lái Orion bay vòng quanh Mặt Trăng. Theo lịch trình, chuyến bay đầu tiên này sẽ diễn ra vào cuối năm nay. SLS là tên lửa đẩy hạng nặng thế hệ mới của NASA, chuyên dùng để chở phi hành gia tới Mặt Trăng trong chương trình Artemis. Artemis 1 sẽ là nhiệm vụ đầu tiên giúp đưa phi hành gia NASA quay trở lại Mặt Trăng sau thời Apollo. Nhiệm vụ Artemis 3 có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2024 nếu tất cả theo đúng kế hoạch.
NASA kiểm tra kỹ lưỡng 4 động cơ RS-25 của tên lửa SLS. Cơ quan này kiểm tra hệ thống mỗi động cơ và tiến hành các quá trình vào ngày phóng như nạp nhiên liệu để đảm bảo toàn bộ hệ thống hoạt động như dự kiến. Thử nghiệm chạy nóng sắp tới là bước cuối cùng trong quá trình kiểm tra.
Hôm 17/1, các kỹ sư đổ 2,6 triệu lít nhiên liệu đẩy siêu lạnh vào tầng đẩy lõi của SLS trước khi kích hoạt cả 4 động cơ RS-25 cùng lúc. Quá trình đốt kéo dài xấp xỉ 8 phút, bằng thời gian đốt khi phóng tới Mặt Trăng. Bộ tứ động cơ RS-25 sản sinh lực đẩy 7,12 triệu newton trong lúc thử nghiệm.
Nếu tất cả diễn ra như dự kiến, tầng lõi sẽ được tân trang và sau đó chuyển tới Trung tâm Vũ trụ Kennedy để chuẩn bị phóng vào tháng 2. Tại đó, tầng lõi sẽ được lắp ráp cùng các bộ phận còn lại tại chỗ. Hiện nay, tầng đẩy nhiên liệu rắn của SLS đang được xếp chồng lên nhau ở Tòa nhà lắp ráp phương tiện tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA tại Florida.
Cùng với 4 động cơ RS-25, SLS sẽ hoạt động nhờ hai tầng đẩy nhiên liệu rắn bao gồm 5 phần lắp ghép với nhau. Sau khi lắp ráp hoàn chỉnh, mỗi tầng đẩy nhiên liệu rắn sẽ cao 54 m và cung cấp lực đẩy hơn 16 triệu newton khi cất cánh.
An Khang (Theo Space)