Mju Touch 8000 có nhiều màu, nhưng tùy từng thị trường mà nhà sản xuất đưa ra màu sắc phù hợp. Letsgodigital. |
Mju Tough 8000 để thay thế Mju 1050SW, nhưng với độ bền "kinh khủng" thì đây có lẽ là bản nâng cấp của chiếc Mju 1030SW vốn đã rất phổ thông. Chiếc máy này vượt qua mọi thử thách vật lý, tuy nhiên chất lượng hình có thể còn chưa được như ý muốn.
Không giống như Mju 1050SW xuất xưởng năm ngoái, Tough 8000 khiến bạn liên tưởng tới những thử nghiệm khắc nhiệt nhất, như quăng vào máy giặt, ném vào tường hay thả từ trên cao xuống. Cũng vẻ đẹp cứng cáp thừa hưởng từ Mju 1030SW, ống kính được đậy bằng miếng kim loại trượt, khi mở ra kêu "soạt" một cái, rất thú vị.
Chiếc máy ảnh lóng lánh màu bạc và crôm. Màn hình LCD 2,7 inch đằng sau được bao quanh bởi vỏ kim loại bóng – dễ lưu lại những vết xước và va đập. Tùy khu vực mà người dùng có thể chọn màu sắc như bạc, xanh nước biển và đen.
Touch 8000 là máy ảnh rắn rỏi đầu bảng. Ảnh: Letsgodigital. |
Nói về độ cứng rắn, có lẽ chiếc Tough 8000 phải là đầu bảng. Máy chịu nước sâu tới 10 mét, rơi từ khoảng cách 2 mét, chịu lạnh tới âm 10 độ C, và có thể chịu lực ép tới 100 kg.
Tough 8000 chịu được đủ thứ "tra tấn", từ thả, ném, ép mà vẫn hoạt động tốt cho dù thân thể bị móp méo và trầy xước. Chế độ chụp liên tiếp nhanh khá ấn tượng với dòng máy compact và sau 9 kiểu liên tiếp, máy phải dừng để đổ hình vào card.
Bạn có thể điều khiển Tough 8000 bằng cách gõ vào thân máy - cách này phù hợp cho các "tay" trượt tuyết vì có thể chỉnh máy mà không cần tháo găng. Chế độ này cũng đã có ở máy đời trước Tough 8000.
Bên trong ống kính góc rộng 28 mm với zoom quang 3,6x là công nghệ mà Olympus gọi là chống lắc kép (Dual Shakeproof) và cảm quang 12 Megapixel. Màn hình LCD được nâng cấp sáng hơn, giúp "đối phó" với những khung cảnh quá chói như tuyết.
Tough 8000 chỉ có 4 chế độ chụp: hoàn toàn tự động - với tên gọi là iAuto, program (có hình chiếc máy ảnh) – có thể chỉnh được ISO và cân bằng trắng, chế độ cảnh đặt sẵn, và cuối cùng là Beauty (Đẹp) - chế độ này tự động chỉnh sửa hình ảnh, loại bỏ những vết xấu, chấm đen và làm mịn da. Lưu ý, chế độ này tự động giảm kích thước hình xuống còn 2 Megapixel.
Không giống như một vài đối thủ cạnh tranh, như Panasonic Lumix DMC-FT1, Tough 8000 không ghi video ở độ phân giải cao HD mà chỉ ở chất lượng VGA với 30 khung hình mỗi giây. Chiếc máy này đáng tiếc vẫn sử dụng thẻ định dạng xD-Picture Card, tuy nhiên nó cũng có một cái adapter kèm theo để sử dụng thẻ định dạng microSD.
Touch 8000 chịu được đủ thứ tra tấn. Ảnh: Letsgodigital. |
Nhìn chung, Tough 8000 cho ra hình ảnh đẹp với màu sắc trung thực trong phần lớn bối cảnh chụp. Tuy nhiên, với đèn flash thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó chói đến mức làm cho chủ thể bị trắng bợt. Đèn mạnh có thể là lợi thế khi chụp dưới nước, tuy nhiên, nếu cho nổi lên trên thì mọi thứ đều nhợt như "ma" vậy.
Một nhược điểm dễ thấy là hiện tượng viền màu cả màu tím và màu lục lam. Càng về góc khung hình hiện tượng này càng thấy rõ và tạo ra hiệu ứng mờ (soft). Một số hình còn gây cảm giác "mơ màng", số khác lại tựa như máy không lấy nét đúng. Nhiễu có ở mọi thiết lập ISO. Tuy nhiễu là hiện tượng thường thấy ở máy compact nhưng ở Tough 8000 lại hơi nổi quá. Nhiễu chấm màu khá rõ ở ISO 400 và đến ISO 1.600 thì còn nhiều hơn chi tiết hình.
Chế độ Beauty cũng có tác dụng, nhưng chỉ trong một số hoàn cảnh cụ thể. Chế độ này không làm đẹp cho những hình không chuẩn. Ví dụ, trong hình có nhiều khuôn mặt thì Tough 8000 lại không áp dụng được hiệu ứng. Ở một chừng mực nào đó, chế độ này cũng có thể làm đẹp da, tuy nhiên, đèn flash mà đánh trắng bệch khuôn mặt thì có sửa gì đi chăng nữa cũng không thể tô màu thêm được.
Chất lượng hình của chiếc máy này chưa phải là tối ưu. Ảnh: Letsgodigital. |
Có lẽ Tough 8000 là máy ảnh rắn nhất, nhưng chất lượng hình thì không phải tốt nhất. Hình ảnh thiếu độ trong, nhiều nhiễu và viền màu có thể gây thất vọng. Nếu máy loại này có chế độ chỉnh tay hoàn toàn thì tốt, hoặc quay phim độ phân giải cao cũng hay. Vậy lại phải chờ Panasonic Lumix DMC-FT1 và Canon PowerShot D10 sắp ra xem có khắc phục được những nhược điểm này hay không.
|
* Xem những bài về máy ảnh Olympus. |
Nguyễn Nhật Thanh (theo Cnet)