"Đây là trách nhiệm khi sống trong thời buổi phức tạp này. Hôm nay chúng tôi sẵn sàng trả giá, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm", AFP dẫn thông tin Joshua Wong cùng sinh viên Isabella, 18 tuổi, và học sinh trung học Prince Wong, 17 tuổi, viết trên Facebook trước khi tuyên bố tuyệt thực tại khu vực biểu tình. "Tương lai của chúng ta, chúng ta sẽ giành lại nó".
Wong kêu gọi nhà chức trách Hong Kong nối lại cuộc đối thoại, vốn đang bế tắc, với sinh viên và đề nghị Bắc Kinh rút lại quyết định kiểm soát ứng viên trong cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu năm 2017.
Quyết định tuyệt thực "vô thời hạn" được Wong đưa ra vài giờ sau khi lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh cảnh báo cuộc biểu tình "không thể chấp nhận được" suốt hai tháng qua sẽ không mang lại điều gì và ám chỉ cảnh sát sắp có hành động.
"Kể từ lúc này, cảnh sát sẽ thực thi pháp luật một cách không do dự", ông Lương phát biểu trước báo giới. Đây được coi là bình luận mạnh mẽ nhất của nhà lãnh đạo Hong Kong trong những tuần gần đây.
Phong trào biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong 2017 bắt đầu từ cuối tháng 9, khiến nhiều nút giao thông chính bị tê liệt. Phong trào này vào lúc đỉnh điểm đã thu hút được hơn 100.000 người tham gia sau đó tạm lắng trong một thời gian.
Căng thẳng xuất hiện trở lại trong những ngày gần đây, sau khi tòa án tối cao ra lệnh dỡ bỏ chướng ngại vật tại một số điểm tập trung của người biểu tình. Những sinh viên giận dữ tối 30/11 đã đổ về khu vực quận Admiralty, bao vây các trụ sở của chính quyền và đụng độ với cảnh sát. Lực lượng an ninh đã phải dùng đến hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế
Mỹ hôm qua tiếp tục kêu gọi Trung Quốc kiềm chế ở Hong Kong, đồng thời bày tỏ lo ngại khi một nhóm nghị sĩ Anh bị cấm đến đặc khu này.
"Chúng tôi khuyến khích giải quyết khác biệt giữa chính quyền Hong Kong và người biểu tình bằng đối thoại hòa bình", bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi người biểu tình thể hiện quan điểm một cách hòa bình và chính quyền Hong Kong kiềm chế".
Bà Psaki cho biết Washington lo ngại trước thông tin về việc Bắc Kinh từ chối cho phép phái đoàn nghị sĩ Anh tới Hong Kong. "Chúng tôi hy vọng các thành viên quốc hội Anh có thể đi lại tự do như họ mong muốn", bà nói.
Trong cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Doanh, tuyên bố quốc gia bên ngoài không có quyền "can dự" vào Hong Kong và gọi nỗ lực đi lại của các chính trị gia Anh là "công khai đối đầu".
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Richard Ottaway khẳng định họ có "quyền" tới Hong Kong để đánh giá việc thực hiện Tuyên bố Trung - Anh ký năm 1984, cơ sở để Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc. "Chúng tôi có quyền tìm hiểu xem liệu Trung Quốc đã thực hiện các cam kết của họ hay chưa", ông nói.
Như Tâm