Cậu bé dẫn đường chỉ vào căn nhà nhỏ nằm giữa thôn 4, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) rồi nói “Nhà thủ khoa đấy, giờ này chắc thủ khoa sắp đi chơi cầu lông rồi”. Đó là tên gọi mới người làng đặt cho Lê Xuân Hoàng sau khi biết tin cậu đỗ thủ khoa ĐH Thủy lợi với số điểm 28,5 (Toán 9,75; Lý 7,5; Hóa 10 và cộng 1 điểm ưu tiên khu vực).
Hoàng cho hay, cuối giờ chiều 18/7, khi ĐH Thủy lợi công bố điểm thi cũng là lúc anh trai ngoài Hà Nội báo cho gia đình biết em đạt danh hiệu thủ khoa. Tin đó không làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của Hoàng. Cậu vẫn chuẩn bị đồ đi chơi cầu lông cùng bạn trong xóm. Đây cũng là sở thích của Hoàng hơn 4 năm nay.
Nở nụ cười tươi rói, Hoàng gãi đầu gãi tai bảo: “Lúc thi xong, em không lên mạng xem đáp án vì hơi lo và muốn tập trung cho thi đại học đợt 2. Nhưng chị gái bảo em được khoảng 26 điểm, không ngờ được cao như vậy”. Đạt điểm tuyệt đối môn Hóa khối A, cậu dự kiến có thể giành thêm điểm 10 Hóa khối B. Mục tiêu chính của Hoàng là ĐH Y Hà Nội.
Cậu học trò trường THPT Lương Đắc Bằng có thành tích nổi bật nhất trường ở các môn ban tự nhiên. Lúc đầu, Hoàng theo khối A và dự định chọn một trường kinh tế để thi. Nhưng vốn đau yếu từ nhỏ, có lần ốm suýt mất mạng, lại được ảnh hưởng từ người anh trai đang học y khiến em chuyển hướng sang lựa chọn ngành y với mong muốn trở thành bác sĩ đa khoa.
Nghe học trò tâm sự, thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Văn Bảo rất ủng hộ vì điều đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng xã hội và năng lực của Hoàng. Thầy còn tư vấn cho học trò nên chọn thi thêm một trường khối A. Cuối cùng, Hoàng chọn thi vào khoa Kỹ thuật hạ tầng và phát triển nông thôn của ĐH Thủy lợi.
Lựa chọn được mục tiêu thi đại học, giữa năm lớp 11, Lê Xuân Hoàng chuyển sang học khối B. Cậu dành sự quan tâm đặc biệt cho môn Hóa và bắt đầu chuyên tâm với Sinh vì đó là hai môn định hướng nghề nghiệp sau này. Theo Hoàng, Toán dạy cho em cách tư duy logic thì Hóa mang đến những chân trời sáng tạo mới. Cậu luôn có một quyển sổ tay nhỏ, ghi chép lại những công thức hoặc phát hiện mới thú vị.
Hoàng đặt mục tiêu học đến đâu phải nắm chắc kiến thức đến đó và thực hành nhiều bài tập, nhiều dạng đề. Kiến thức phải tích lũy từ những năm học lớp 10, 11 để làm nền tảng cho lớp 12. Hoàng dành 3-5 tiếng cố định để tự học, trong đó 3 tiếng buổi tối và 2 tiếng buổi sáng sớm cho việc tự học ở nhà. Thời gian còn lại, cậu giúp mẹ làm việc nhà và chơi cầu lông.
Vừa học, vừa chơi nhưng Hoàng luôn sở hữu thành tích nổi bật. Điểm các môn ban tự nhiên luôn đứng đầu trong trường. Đặc biệt, điểm tổng kết hai môn Toán, Hóa gần 10. 12 năm liên tiếp, cậu là học sinh giỏi toàn diện, còn đoạt giải nhất học sinh giỏi môn Toán lớp 12 toàn tỉnh Thanh Hóa.
Tân thủ khoa hơi hồi hộp khi chờ kết quả các môn thi khối B. “Em không xem đáp án, nhưng chị gái bảo được khoảng 27 điểm. Nếu đậu cả hai trường em sẽ chọn học y, theo ngành bác sĩ đa khoa như anh trai”, Hoàng bật mí. Anh trai Hoàng đang là sinh viên năm thứ 4 ĐH Y Hà Nội.
Xác định mục tiêu chính là trường y, nhưng khi làm hồ sơ khối A vào ĐH Thủy lợi, cậu tâm niệm phải làm hết sức mình chứ không hẳn là “dạo chơi” vì đó là cuộc đua nghiêm túc của kiến thức. Vì vậy dù thừa thời gian ở hầu hết các môn, Hoàng không vội vã ra khỏi phòng thi mà kiểm tra lại đáp án rồi mới nộp bài.
Từng chủ nhiệm cả anh trai của Hoàng, thầy Nguyễn Văn Bảo ấn tượng với cả hai về học lực và ý thức vươn lên trong cuộc sống. Lê Xuân Quý trước cũng đỗ hai trường đại học Ngoại thương và Y. Cuối cùng, Quý chọn theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội.
Còn chưa hết vui mừng vì con trai đậu thủ khoa, ông Lê Xuân Vinh xúc động nói: “Học trường nào cũng tốt. Nếu Hoàng đi học y thì gia đình tôi sẽ toàn thầy giáo và thầy thuốc”. Nhắc đến con cái, ông Lê Xuân Vinh luôn tự hào vì đó là tài sản vô giá của vợ chồng.
Ông bà luôn được xóm làng ngưỡng mộ, gọi là gia đình hiếu học. Hai chị gái của Hoàng từng là học sinh chuyên Văn của trường THPT Lương Đắc Bằng. Hiện chị gái đầu là giáo viên ở gần nhà, còn chị thứ hai chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ học. Tiếp bước truyền thống gia đình, cậu em út Lê Xuân Hoàng trở thành tân thủ khoa khiến niềm vui của bố mẹ nhân lên gấp bội. “Thành tích của các anh chị không hề tạo áp lực mà trở thành động lực để em phấn đấu thi đỗ đại học. Dù sao cũng không thể trở thành người kém cỏi nhất trong nhà”, Hoàng cười nói.
Tranh thủ thời gian trước khi nhập học, tân thủ khoa vẫn vót nan, giúp mẹ đan rổ, rá kiếm thêm thu nhập. Cậu duy trì thói quen rèn luyện sức khỏe bằng cách tập tạ và chơi cầu lông. “Danh hiệu thủ khoa chưa phải là tất cả, vì vào đại học mới chỉ là bắt đầu”, tân thủ khoa ĐH Thủy lợi chia sẻ.
Hoàng Phương