Tại buổi tọa đàm "Xây dựng tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus, AIC" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 15/7, nhiều ý kiến trong việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học được chia sẻ.
GS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Kinh tế Kinh doanh châu Á (Đại học Kinh tế TP HCM) cho biết đơn vị ông gia nhập danh mục WoS (Web of Science) năm 2021, Scopus năm 2022 và xếp hạng Q1 năm 2023. Mục tiêu này được đặt ra từ 2012 - 2019 trong chương trình tài trợ của Bộ Giáo dục Đào tạo. Lý do được ông Hoài nêu "hội đồng biên tập có cả người Việt Nam và các nhà khoa học trên thế giới, phù hợp với phạm vi, tôn chỉ của tạp chí". Hội đồng biên tập có nhiệm vụ bình duyệt bài, tham gia các hội thảo quốc tế, tư vấn cho tạp chí.
Theo GS Hoài để có sự tham gia của nhà khoa học quốc tế phụ thuộc vào mạng lưới kết nối của trường đại học và cá nhân người làm việc tại tạp chí hoặc thông qua các hội thảo học thuật. "Hội đồng biên tập đa dạng sẽ thu hút được bài của nhiều quốc gia, giúp nâng cao vị thế của tạp chí", GS Hoài nói, thêm rằng đơn vị hướng tới các chỉ mục quốc tế phải đa dạng tác giả ngoài Việt Nam.
GS Hoài cũng thông tin, với tạp chí khoa học để vào WoS, hay Scopus cần được kiểm chứng các bài báo có phù hợp với phạm vi, lĩnh vực tham gia vào chỉ mục. Nếu không đạt các yếu tố về tính phù hợp sẽ rất khó cho việc công nhận tạp chí. Ông kiến nghị, cần có nhà xuất bản quốc tế trong nước nhằm giúp các tạp chí của Việt Nam cùng hướng mục tiêu đạt chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ hội để các tạp chí của Việt Nam tiệm cận độ uy tín với khu vực và thế giới.
Đồng quan điểm, GS Lê Quốc Hội, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) nói, đơn vị đặt mục tiêu xây dựng tạp chí tầm khu vực vào năm 2015, sau đó gia nhập Scopus cuối năm 2023. Trường đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới hợp tác với nhà khoa học là Việt kiều, người nước ngoài đang nghiên cứu trên thế giới.
Để thu hút lực lượng này, GS Hội cho biết đơn vị có cơ chế khuyến khích, đặt hàng nhà khoa học là Việt kiều. Đây được coi là một trong những chiến lược để tạp chí đạt các chuẩn mực quốc tế.
Theo PGS. TS Đinh Văn Thuật, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng (Đại học Xây dựng Hà Nội), để nhiều tạp chí trong nước nâng cấp gia nhập quốc tế cần được đầu tư về tài chính để đáp ứng tiêu chí gia nhập danh mục ACI, tiến đến Scopus, WoS. Về lâu dài ông cho rằng cần xây dựng hệ thống chỉ mục trích dẫn tạp chí Việt Nam (Vietnam Citation Index) để phân loại, xếp hạng các tạp chí trong nước theo các mức độ khác nhau về tiêu chí đánh giá. Đây là cơ sở tạo độ tin cậy, khách quan hơn để tính điểm tạp chí trong nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Phúc dẫn thực tế nhiều nghiên cứu trong nước thường phải gửi đăng bài báo ở các tạp chí của nước ngoài. Kinh nghiệm các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... cho thấy họ có nhiều tạp chí gia nhập hệ thống trích dẫn như Scopus, WoS, ISI. Điều này khiến các bài đăng tạp chí trong nước được xem là bài báo quốc tế, chất lượng không thua kém các nước phát triển. "Thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ 18 tạp chí xây dựng kế hoạch đạt chuẩn AIC (ASEAN Citation Index)) và 2 tạp chí đã đạt chuẩn Scopus", ông cho biết.
Thứ trưởng Phúc cho rằng các tạp chí của Việt Nam cần phát triển hội nhập với xu hướng thế giới. Điều này giúp cho các bài báo khoa học đăng trong nước nhưng chất lượng, chuẩn mực của quốc tế.
Danh mục Scopus là cơ sở dữ liệu của Nhà Xuất bản Elsevier (Hà Lan). Đến tháng 3/2023, Scopus đưa vào danh mục tổng số 43.400 tạp chí khoa học trên thế giới, trong đó, gần 28.000 tạp chí còn hiệu lực. Trong danh mục này, có 8 tạp chí khoa học Việt Nam. Danh mục Web of Science (WoS) là cơ sở dữ liệu của Institute for Scientific Information, Mỹ. Việt Nam có 8 tạp chí thuộc danh mục này.
Hà An