Theo quy định tại Nghị định 107/2018, thương nhân xuất khẩu gạo phải báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho theo từng chủng loại. Việc này để tổng hợp số liệu phục vụ điều hành.
Tại Nghị định 01/2025 vừa được Chính phủ ban hành, các thương nhân xuất khẩu mặt hàng này chỉ còn phải báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương về tồn kho thóc, gạo định kỳ hàng tháng, thay vì mỗi tuần như hiện hành. Cùng đó, họ phải gửi bản sao báo cáo cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam để tổng hợp số liệu. Quy định mới sẽ được áp dụng từ 1/3.
Các doanh nghiệp cần đảm bảo dự trữ gạo bắt buộc, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về kho, cơ sở xay, xát thóc và gửi báo cáo định kỳ. Trong 45 ngày kể khi được cấp phép, UBND tỉnh, thành phố phải chỉ đạo Sở Công Thương hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh thực tế.
Song, thực tế trước đó nhiều thương nhân đã không tuân thủ chế độ báo cáo tại Nghị định 107, ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo.
Do vậy, tại nghị định mới, với các trường hợp không thực hiện đúng quy định này có thể sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ xem xét thu hồi giấy phép với doanh nghiệp không nộp báo cáo sau 45 ngày kể từ khi cơ quan này gửi văn bản đôn đốc.
Nhà chức trách cũng thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu với các thương nhân kê khai không đúng thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo hoặc có gian lận khác để được cấp phép.
Cũng theo Nghị định 01, thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, các thương nhân này sẽ chỉ được uỷ thác hoặc nhận uỷ thác xuất khẩu từ các thương nhân khác có giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Đây là điểm mới so với quy định đang áp dụng hiện nay.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, do đó, họ ủy thác cho các đơn vị với mức phí 1-5 USD mỗi tấn hàng. Tức là, các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đang có quyền cho thuê giấy này được hưởng phí. Việc này khiến gạo của Việt Nam trở nên đắt, khó xuất khẩu hơn, theo nhận định của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Như vậy, với quy định mới về uỷ thác và nhận uỷ thác, các thương nhân xuất khẩu gạo sẽ không thể cho thuê giấy chứng nhận để xuất khẩu thay các bên không đủ điều kiện.
Lúa gạo là ngành hàng quan trọng với nông nghiệp Việt Nam. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, 11 tháng qua, ngành lúa gạo đã đạt thành tích ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không chỉ vượt xa thành tích cả năm 2023 mà còn lập kỷ lục mới với tăng trưởng 10,8%.
Phương Dung