Thứ tư, 29/1/2025
Thứ sáu, 18/3/2022, 07:00 (GMT+7)

Thu hoạch 3 tạ dưa từ vườn trên mái tôn

Không có đất vườn nhưng mong có rau quả sạch để ăn, vợ chồng anh Luận tự mày mò làm vườn thủy canh trên nóc mái tôn, mỗi vụ thu được 300 kg.

Mọi việc bắt đầu hơn ba năm trước khi vợ chồng anh Phạm Văn Luận, ở phường Long Bình, thành phố Biên Hòa chuẩn bị đón con đầu lòng. "Lúc đó tôi nảy ra ý nghĩ phải làm sao có rau sạch, an toàn cho vợ con ăn", anh Luận, 34 tuổi, chia sẻ.

Không có đất, người đàn ông quê Thanh Hóa đã bắc thang lên mái nhà, tận dụng những góc chỉ vài m2 để lắp đặt giàn thủy canh. Diện tích có hạn nhưng nhờ sự chăm chỉ của anh mà gia đình có đủ rau, dưa cho bữa ăn hàng ngày. Từ đó anh Luận mê luôn việc làm vườn thủy canh.

Bước sang năm 2021, gia đình mua được một mảnh đất cách nhà 10 cây số và đã hiện thực hóa nơi đây thành một trang trại. Ở dưới họ nuôi bồ câu, gà chọi, dúi. Trên mái tôn, họ làm vườn thủy canh.

Ngày anh Luận đi làm, chiều tối về trang trại lọ mọ thiết kế đến khuya. Với kinh nghiệm của một công nhân cơ khí, anh mua máy bơm, ống nước và sắt thép về làm suốt ba tháng. Với chi phí hơn 40 triệu đồng, anh làm được khu vườn rộng 60 m2, có thể trồng 200 gốc dưa.

"Ban đầu tôi học cách làm trên YouTube, sau mỗi vụ cải tiến dần. Đến khi làm khu vườn này, tôi không còn bỡ ngỡ gì nữa", ông bố trẻ nói.

Vườn hoàn thành vào tháng 7/2021, song khi đó Covid-19 bùng phát khiến Luận phải "ba tại chỗ" ở công ty suốt ba tháng. Ngay khi hết cách ly đầu tháng 11, anh khởi động vụ dưa.

Hàng ngày, anh thường từ công ty về thẳng vườn để chăm dưa, nhiều hôm làm muộn quá úp bát mỳ tôm ăn rồi lên thẳng cơ quan tăng ca. Trung bình mỗi ngày anh dành ba tiếng cho vườn. Cuối tuần, anh Luận đưa vợ con lên đây, dành toàn thời gian để làm trang trại. "Nhiều lúc vợ chồng tôi bảo nhau chăm dưa còn cực hơn cả chăm con mọn", anh nói.

Vụ này họ chọn trồng giống dưa lưới ruột cam ML38, một giống dưa ruột vàng, giòn, độ ngọt cao, ngắn ngày và chi phí hạt giống vừa phải. Sau khi ươm hạt, họ cho bầu lên giàn. Thời điểm này cây hút ít nước nên không cần chăm sóc nhiều, đến khi được 10 ngày là phải bơm nước thường xuyên.

Đến thời kỳ leo giàn, họ bắt đầu cực hơn. Nếu đúng dinh dưỡng, mỗi ngày cây phải dài thêm 20 cm. Cứ cuối ngày, hai vợ chồng phải lên vườn quấn ngọn dưa, lấy kẹp cố định lại. Có những hôm thụ phấn cho dưa, cả hai phải xin nghỉ việc cả ngày để làm cho kịp thời vụ.

Khi được 30-35 ngày, cây bắt đầu thụ phấn. Một tuần sau sẽ bắt đầu chọn quả. Mỗi cây, họ chỉ chọn ra một quả đẹp nhất để lại, còn đâu cắt bỏ hết, và ngắt ngọn để tập trung nuôi cây.

Giai đoạn này phải thêm dinh dưỡng hàng ngày, đo độ pH trong nước. Nhiều năm trồng dưa, họ rút ra kinh nghiệm quan trọng nhất là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Theo anh Luận, ngay từ đầu vườn phải thông thoáng, khoảng cách lý tưởng giữa các cây là 45 cm, giữa các hàng 1,5 m.

"Nếu để dày hơn, dưa thiếu nắng, quả nhỏ, lại dễ bị nấm bệnh. Mình đã trải qua nhiều vụ có thành công, có thất bại mới rút ra được khoảng cách này", chị Thu Hiền, vợ anh Luận nói. Họ cũng chủ động phun rong biển và các chế phẩm gừng, ớt, tỏi, cũng như tự bắt sâu để phòng bệnh cho vườn.

Vườn dưa sẽ cho thu hoạch khoảng 40 ngày sau thụ phấn. Nếu bộ lá vẫn xanh mướt là vụ dưa đó thành công, bởi chúng giúp quang hợp và tổng hợp tạo ngọt cho quả.

Từ khoảng nửa tháng trước lúc thu hoạch, vườn của gia đình trở thành điểm tham quan của bạn bè, đồng nghiệp. Không gian trên vườn dưa thoáng mát, ai lên cũng không muốn xuống.

"Có những hôm nhóm gần chục người đến thăm, sợ mái tôn sập nên cứ lần lượt từng người một trèo lên vườn", chị Hiền kể.

Đến ngày thu hoạch cuối tháng 2, họ thu được hơn ba tạ dưa. Ngoài một số để ăn và biếu, vợ chồng anh Luận bán được trên hai tạ, với giá khoảng 60.000 đồng một kg.

Chị Hiền cho biết, giá cả vừa phải với phương pháp trồng sạch nên người quen đổ xô đến mua. "Có những người hẹn dưa nhà tôi hai năm rồi, lần này mới được ăn. Đa số mua khoảng chục quả về ăn dần", chị nói.

Số tiền thu được, họ tiếp tục tái đầu tư vào vườn. Với thời tiết miền Nam, dưa có thể trồng quanh năm. Cặp vợ chồng dự kiến trồng được bốn vụ dưa mỗi năm.

"Cái chính của trồng dưa không phải để bán mà là đam mê được trồng rau quả sạch cho gia đình và những người thân yêu. Ngắm những trái dưa tròn lúc lỉu trên giàn, bổ ra vừa ngọt mát, bổ dưỡng, chúng tôi có cảm giác gặt hái được thành quả vô cùng", anh Luận nói.

Phan Dương
Ảnh: Nhân vật cung cấp