Các chuyên gia địa chất lo ngại rằng nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 với sức công phá "lớn chưa từng có", năng lượng phát ra từ vụ nổ có thể lan truyền trong lòng đất và khiến núi lửa Paektu ở biên giới Trung - Triều phun trào, CNN đưa tin.
Đó có thể sẽ là một vụ phun trào cực lớn, đe dọa sinh mạng hàng chục nghìn người Trung Quốc và Triều Tiên. Chưa rõ liệu vụ nổ hạt nhân lớn có diễn ra hay không, nhưng đây là điều khiến Trung Quốc lo lắng trong suốt nhiều năm. Có khoảng 1,6 triệu người sống trong phạm vi 100 km quanh ngọn núi lửa. Nó chỉ cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng 115 đến 130 km.
Paektu có vai trò quan trọng trong lịch sử Triều Tiên, được cho là nơi sinh của Dangun, người lập ra quốc gia Triều Tiên cổ đại. Đây cũng là ngọn núi lửa lớn mà các nhà khoa học chưa thể tiếp cận để nghiên cứu, dù họ đã thu thập được một số dữ liệu từ các hoạt động địa chấn trong giai đoạn 2002-2005.
Có rất ít thông tin về hệ thống mạch nham thạch bên dưới Paektu, cũng như kích cỡ, tình trạng và độ sâu của lò dung nham, nên các nhà khoa học rất khó dựng mô hình hoạt động của nó.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định những vụ thử hạt nhân có đương lượng nổ khoảng 10.000 tấn TNT khó có thể kích hoạt một vụ phun trào ở núi lửa Paektu. Chỉ có những vụ nổ đạt sức công phá tương đương 50.000-100.000 tấn TNT mới có thể gây ra vụ phun trào lớn.
Cho tới nay, Triều Tiên đã thực hiện 5 vụ thử hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013 và 2016. Vụ thử tháng 9/2016 được cho là mạnh nhất, với sức công phá của thiết bị nổ được cho là tương đương 10.000-30.000 tấn thuốc nổ TNT. Bình Nhưỡng tuyên bố thiết bị nổ trong vụ thử hạt nhân lần thứ 6 có thể mạnh hơn các lần trước đó.
Núi lửa Paektu vẫn hoạt động nhưng không thực sự rõ rệt, lần phun trào gần đây nhất của nó diễn ra vào năm 1903. Lần phun trào năm 946 được coi là một trong những vụ phun trào lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử loài người.
Hòa Việt