- Vì sao trong ba năm, chị liên tiếp thi ba game show dù đã đoạt giải cao?
- Cuộc thi đầu tiên tôi tham gia là Giọng hát Việt năm 2015. Dù bị loại sớm, tôi được huấn luyện viên lúc ấy - ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng - khuyên nên theo đuổi dòng nhạc trữ tình. Cùng năm đó, tôi thi Solo cùng Bolero và đoạt giải nhất. Năm 2018, anh Đàm Vĩnh Hưng khuyến khích tôi thi Người kể chuyện tình để rèn luyện thêm biểu cảm trên sân khấu. Tôi tham dự và tiếp tục chiến thắng cuối năm ngoái. Ngoài việc rèn thêm kinh nghiệm ca hát, tôi muốn tìm một sân chơi để tạo cơ hội mới, sau nhiều tháng gần như không có show, thu nhập ít ỏi.
- Chị gặp những khó khăn nào khi theo đuổi nghề?
- Sau khi bước ra từ cuộc thi Bolero, tôi những tưởng mình sẽ kiếm thật nhiều tiền, có nhiều show. Ngược lại, chẳng ai mời tôi đi hát. Một tháng rồi hai tháng, tôi không có sự kiện nào. Quãng thời gian ấy kéo dài gần cả năm. Thu nhập của tôi chỉ khoảng sáu, bảy triệu đồng mỗi tháng, tụt dốc hơn trước khi nổi tiếng. Ngày trước, tôi biểu diễn cho các hội diễn quân đội, thỉnh thoảng nhận hát bên ngoài, kiếm được 20 - 30 triệu đồng, đủ để nuôi bản thân và em gái. Sau đó, tôi từ bỏ việc làm công ăn lương, vào Nam lập nghiệp.
Không có show đi hát, tôi rất tự ti. Các thí sinh cùng thi với tôi ra sản phẩm ồ ạt, truyền thông mạnh mẽ, tôi nhìn lại bản thân chẳng có gì. Đọc các bình luận chê bai mình, chẳng hạn: "Quán quân mà lại thua á quân", "cô Hằng này hát chẳng ra gì cả"... tôi càng tiêu cực. Tôi đi hát trễ, 30 tuổi mới bắt đầu có ít thành tựu nên cố ép bản thân phải tăng tốc. Dần dà, tôi hoang mang, tự hỏi liệu chọn con đường ca hát này đúng hay sai. Có lúc, ngồi giữa các đồng nghiệp, tôi cảm giác bị săm soi với ánh mắt coi thường. Tôi đã muốn bỏ nghề khi thấy không đáng công sức. Tôi tự chất vấn bản thân vì sao lại kém cỏi đến thế.
- Ai là người hỗ trợ chị thời điểm đó?
- Anh Đàm Vĩnh Hưng giúp tôi bằng cách đi hát ở đâu thì kéo tôi đi theo, rồi trích một phần cát-xê trả cho tôi. Anh nói với tôi, nhiều người đi làm với mức lương 4-5 triệu đồng vẫn sống được, thì không có lý do gì tôi không thể xoay xở. Anh lấy bản thân ra làm gương, kể chuyện ngày xưa trầy trật, mất cả chục năm xếp hàng hát phòng trà để được như hiện nay. Tôi cũng được chị Lệ Quyên tặng váy áo. Các anh chị không chỉ tư vấn cho tôi về chuyên môn, mà còn chỉ bảo tôi kinh nghiệm vào nghề.
- Tình hình đi hát của chị hiện ra sao?
- Sau khi thắng cuộc thi mới nhất, tôi nhận được nhiều show hơn. Ngày xưa, ra đường chẳng ai biết đến tôi, giờ tôi bắt đầu được chú ý. Tôi vui vì có những chị bán quần áo, cô hàng rong nhận ra và chào hỏi. Thu nhập tôi ngày trước chỉ tầm sáu triệu đồng, thì giờ đã gấp 10, 15 lần. Tôi có tiền tái đầu tư sản phẩm. Tôi không còn phải mặc mãi một trang phục nữa, mà đã thay được bộ này bộ kia. Tôi chăm chút thêm cho bản thân, nhờ nhà thiết kế may đồ. Cát-xê cao hơn, tôi đầu tư vào âm nhạc. Tôi không phải mua beat (nhạc nền) trên mạng giá 150 nghìn đồng một bản nữa mà đã có thể đặt hàng người ta, yêu cầu họ chỉnh sửa theo ý mình.
Quan trọng, tôi thấy mình trưởng thành, dạn dĩ hơn. Ngày trước, hát sai một câu thôi, tôi toát mồ hôi, mặt dáo dác và không hát tiếp được. Giờ, gặp sự cố, tôi biết cách lèo lái. Sự cố gắng và kiên trì của tôi ngày trước dần mang lại kết quả.
- Chứng kiến nhiều người đẹp đi hát sau vài năm đã tậu được nhà, xe, chị nghĩ sao?
- Thỉnh thoảng, tôi thấy thông tin nhiều đồng nghiệp khoe nhà cửa, xe cộ và có phần chạnh lòng. Tôi vẫn đang ở nhà thuê. Nhiều ca sĩ xuất phát cùng với tôi, thậm chí sau tôi, mà vẫn nhanh chóng thành công. Tôi cảm giác mình không nhanh nhạy, thích nghi bằng nhiều đồng nghiệp.
Giờ có nhiều ca sĩ trẻ hát Bolero, khán giả từ đó cũng chọn lựa đa dạng hơn. Có giọng ca bảy, tám tuổi mà cát-xê đã rất cao rồi. Buồn thì có, nhưng tôi không trách bản thân vì lựa chọn phong cách an toàn. Tôi theo đuổi lối hát điềm đạm, chín muồi, đời tư không scandal, sản phẩm chỉn chu để hướng đến một bộ phận khán giả phù hợp.
- Những ngày Tết vừa qua với chị ra sao?
- Tôi không về quê mà ở lại Sài Gòn hát phòng trà. Ngày Tết là dịp khán giả đi nghe nhạc nhiều nhất, tôi phải tranh thủ cơ hội. Đón Tết xa quê, tôi cũng chạnh lòng lắm. Đôi lúc nhìn lại bố mẹ, tôi thấy xót xa vì các cụ ngày càng già đi. Bố tôi nay đã 70 tuổi, mẹ cũng đã 66 tuổi. Nhưng tôi tự nhủ đây là dịp tôi được khán giả thương nên cố gắng tiếp cận họ nhiều hơn. Trong 1.000 khán giả, chỉ cần 10 người nhớ đến mình thôi đã tốt rồi. Mỗi ngày một ít, tôi tin dần dà khán giả sẽ ấn tượng với tôi.
Thu Hằng sinh năm 1987 tại Nghệ An. Năm 12 tuổi, bố mẹ ly dị, cô ở với mẹ. Năm 15 tuổi, Thu Hằng học Trung cấp nhạc viện Hà Nội, khoa nhạc cụ dân tộc. Vì gia đình khó khăn, Hằng giấu bố mẹ và tự đi làm để lo tiền ăn và học phí để bố mẹ đỡ vất vả. Cô xin rửa chén cho quán phở, chạy bàn cà phê. Năm 2015, cô thi Giọng hát Việt nhưng bị loại sớm. Cùng năm, cô thi Solo cùng Bolero - cuộc thi Đàm Vĩnh Hưng làm giám khảo - và đoạt giải nhất. Năm 2018, cô tiếp tục chiến thắng Người kể chuyện tình. Sau cuộc thi, cô chủ yếu hát ở sự kiện, phòng trà...
Mai Nhật