Nếu xét theo nhà phân phối, ba vị trí đầu tiên của thị trường là Toyota Việt Nam, TC Motor và Trường Hải. Nếu xé lẻ từng thương hiệu, thứ tự sắp xếp hai vị trí đầu không thay đổi, nhưng từ vị trí thứ ba bắt đầu có xáo trộn khi Mazda của Trường Hải bán ít hơn Honda.
Nhà vô địch: Toyota Việt Nam - thương hiệu xe Nhật bán 78.795 xe con (không tính Hiace), vững vị trí đầu bảng, bỏ đối thủ hơn 10.000 xe. Tốc độ tăng trưởng so với 2018 đạt 20%.
Á quân: Hyundai. Thương hiệu do TC Motor phân phối bán 69.916 xe con trong 2019, tăng trưởng 25% so với năm ngoái. Hãng này toàn bộ xe đang bán đều lắp ráp tại Việt Nam.
Thứ ba: Honda. Đứng thứ ba không phải các thương hiệu của Trường Hải mà là Honda. Trong năm 2019, có 33.102 chiếc tới tay khách Việt. Sự trỗi dậy của CR-V, vượt qua CX-5 đứng top phân khúc cũng góp phần giúp Honda Việt Nam tăng trưởng 22%.
Thứ 4: Mazda. Mazda là hãng duy nhất trong danh sách gần như không tăng trưởng. Số xe bán năm 2019 là 32.731 xe, hơn đúng ba xe so với năm 2018. Mazda3 vẫn là mẫu xe dẫn đầu phân khúc sedan cỡ C.
Thứ 5: Ford vẫn là cái tên "chậm mà chắc" với lợi thế Ford Ranger bá chủ phân khúc bán tải. Hãng bán 32.175 xe trong 2019, tăng 31% so với 2018. Tuy vậy, EcoSport đã để Hyundai Kona lấy vị trí dẫu đầu dòng crossover cỡ B.
Thứ 6: Mitsubishi là hãng tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ 198%. Doanh số 2019 của hãng xe Nhật là 30.642 xe, trong đó phần lớn đóng góp bởi Xpander.
Thứ 7: Kia. Thương hiệu xe Hàn Quốc đạt 30.103 xe, tăng trưởng chỉ 4%, tốc độ tăng chậm, tương tự như Mazda cùng do Thaco phân phối. Morning và Cerato là hai cái tên gánh vác doanh số.
Thứ 8: Suzuki. Thương hiệu Nhật bán 11.786 xe, đuối hơn hẳn so với nhóm từ Kia trở lên. Tuy vậy tốc độ tăng trưởng tới 71%. Suzuki không có sản phẩm nào nổi bật trên thị trường, ngoại trừ Ertiga mới về nước có chút mới lạ.
Phần còn lại của thị trường như Chevrolet (VinFast phân phối), Isuzu doanh số quá thấp. Nissan không công bố đầy đủ số liệu.
Nguyên Khoa