From: Le Lan
Sent: Friday, November 13, 2009 11:41 PM
Kính gửi toà soạn báo VnExpress.net.
Sau khi đọc các bài chê vợ của một số ông chồng, qua chuyên mục Tâm sự tôi xin chia sẻ với bạn đọc chuyện có thật 100% của gia đình tôi, để các anh chồng hiểu thêm về sức chịu đựng của các bà vợ. Bức thư dưới đây tôi đã gửi cho chồng cách đây 5 năm và hiện tại tôi có một gia đình có thể gọi là ổn định, dưới con mắt của những người ngoài cuộc, và chấp nhận được đối với bản thân tôi.
Tôi từng chịu đựng cuộc sống như thế đấy, nhưng các con tôi có được gia đình đầy đủ bố mẹ, chị em. Anh chồng tôi thực sự đã dần dần thay đổi và trở thành người chồng, người bố chấp nhận được sau khi nhận được những lá thư của tôi. Xin nói thêm là tôi may mắn được sinh ra trong gia đình trí thức, và tôi là giảng viên của một trường ĐH có danh tiếng. Thế mà tôi từng sống trong hoàn cảnh như trong bức thư tôi gửi chồng thế đấy. Nếu như các bạn trong hoàn cảnh của tôi thì các bạn sẽ xử sự thế nào?
Gửi chồng,
Lại một lần nữa em phải viết thư, em biết anh đọc xong rồi lại quên ngay, nhưng ít ra là cũng để anh biết những suy nghĩ và dự định của em và tránh không để cãi vã, làm tổn thương nhau. Em đã định nói trực tiếp với anh nhưng thực sự không có cơ hội vì anh đi cả ngày, và khi về nhà lúc nào anh cũng có hơi cồn trong người. Em viết ra cho anh thấy những gì mà em mong muốn và suy nghĩ về anh:
1. Em mong muốn có một gia đình nề nếp, ít nhất là cả nhà phải có một bữa ăn chung đầy đủ bố mẹ và con. Con gái em có quyền được bố của nó dạy dỗ, chơi cùng nó, để sau này lớn lên nó có ký ức đẹp về tuổi thơ. Dạy con ở tuổi lên 4 không phải ngồi đó mà giáo lý, mà phải theo sát để sửa những hành vi tự phát của con, từ câu nói và cách cư xử, ăn uống. Em mong muốn như thế có quá đáng không? Lý do trước hết là em được hạnh phúc, con em có đầy đủ bố mẹ và bố mẹ có trách nhiệm với con cái. Nhưng không có nghĩa là không có anh thì mẹ con em không sống được.
Ngày nào anh cũng có lý do để đi tụ tập, không ngày nào là anh không có mùi bia rượu trong người. Về đến nhà là anh lăn ra ngủ. Anh chưa bao giờ tham gia vào các công việc sinh hoạt gia đình. Con anh ốm, nôn, sốt, anh biết thế nhưng anh vẫn cố nấn ná với lũ bạn không về ngay mua thuốc cho con. Con ho, nôn ngay bên cạnh bố mà bố vẫn ngủ không biết gì... Anh có con gần 4 tuổi mà anh vẫn chưa có phản xạ và trách nhiệm của người làm bố. Anh nên biết là có những đứa trẻ đã chết vì sặc chất nôn ra trong khi ngủ. Em ở tận tầng một làm việc mà còn có linh tính chạy lên xem con. Nếu không có em, rất có thể con em nguy hiểm tính mạng ngay bên cạnh bố nó.
Anh nên hiểu là nhà có người giúp việc, họ chỉ có thể giúp làm những việc lặt vặt chứ không thể thay thế được vợ hoặc chồng, không thể thay anh làm bố cho con anh được. Em cần anh có trách nhiệm với sinh hoạt gia đình, để có gia đình tử tế, nề nếp, gia giáo, thì cả hai vợ chồng cùng xây dựng. Anh nên nhớ anh là người trụ cột gia đình, nhưng không phải là người nuôi cả nhà, với tiền lương anh đưa không đủ để gia đình sống và cho con đi học.
Nếu anh muốn gia đình này tồn tại, điều đầu tiên anh nên làm là thay đổi ngay thói quen thích bia rượu tụ tập của anh.
2. Anh tắt máy điện thoại khi em gọi. Anh không về ăn cơm cũng không hề báo trước. Anh thích đi với ai thì đi, thích về lúc nào thì về. Anh sống như thế là không tôn trọng em. Anh thử đặt địa vị em vào anh thì anh thấy thế nào?
3. Anh đã đánh và dọa giết em nhiều lần. Việc anh đánh em là điều không thể chấp nhận trong cuộc sống vợ chồng. Anh nên hiểu em đã phải hy sinh và nhịn nhục để tiếp tục sống với anh. Điều bắt em phải chịu đựng là em còn yêu anh và em muốn con có bố. Nhưng không có nghĩa là em chấp nhận sống với người chồng vũ phu cả đời.
Anh thử một lần nữa đặt địa vị anh vào em lúc đó, nếu em để cho anh chờ cơm ở nhà, anh bảo anh sẽ về ngay nhưng khi em gọi đến lần thứ n... thì anh lại nói là phải đưa thợ xây đi tắm... Với cái bụng đói meo và bực tức với cái lý do vô lý của anh, và thấy anh đang vui vẻ với bàn nhậu, bia đầy bàn (trong lúc anh đang hứa là kiêng bia rượu tuyệt đối khi em đang điều trị bệnh cho anh), ngay lúc trước mặt em thì anh có vẻ kiêng bia lắm, nhưng khi đến nơi anh đang nhậu thì hoàn toàn khác, nếu em mà cư xử với anh như vậy thì anh sẽ xử sự thế nào? Anh có thể không cáu giận không? Thế mà anh xông lên đánh em khi em đến gọi anh về...
Anh nên hiểu, nếu như anh vẫn còn ý nghĩ đánh vợ để cho hả giận và để cho vợ sợ thì anh hoàn toàn sai lầm. Em không hề sợ anh. Em hiểu rất rõ là nếu anh còn đánh và đòi giết em nữa thì chắc chắn em sẽ chết, anh sẽ vào tù và con gái sẽ mồ côi. Em không muốn con em mồ côi. Điều em phải làm là thà có lỗi với con, nhưng ít ra là con bé vẫn còn có mẹ. Chứ không phải nó sống trong cảnh mẹ chết, bố vào tù.
Cuộc sống gia đình nào cũng có va chạm, nhưng không phải ông chồng nào cũng đánh vợ. Anh chỉ có thể thay đổi khi anh hiểu người đàn ông đánh phụ nữ, người có sức khoẻ yếu hơn mình, là rất hèn hạ, nhất là khi họ đánh vợ mình, người mà đồng cam cộng khổ với mình. Cũng giống như người có tính ăn cắp, nếu họ hiểu ăn cắp là xấu thì họ không bao giờ làm điều đó. Vợ là người bạn tốt nhất của anh, có người bạn nào mà có thể chia sẻ với anh như vợ anh không? Thế thì tại sao anh phải lấy lòng bè bạn bên ngoài mà anh chưa bao đối xử với vợ như với bạn.
4. Anh có tính đưa đẩy, tán tỉnh các em. Anh nên hiểu những đứa con gái cắn câu anh như em biết đều là những đứa có tai tiếng. Em làm hiệu phôto cũng là em lẳng lơ, em M. con thầy T. thì anh không phải là thằng đàn ông có vợ đầu tiên và là học sinh của bố nó mà nó có mối quan hệ. Còn em Dung và các em nào đó em chưa biết... Tóm lại, anh lại một lần nữa đặt địa vị anh vào em thì anh sẽ biết ngay cảm giác của em. Em khẳng định với anh là em ghen vì tự ái và có cơ sở.
5. Em sẽ đi sang Mỹ học vào ngày 13 tháng 8.
Em cũng đã để cơ hội cho anh, em cũng đã muốn xây dựng cùng anh một gia đình ổn định, một tổ ấm và điều đầu tiên cần làm là xây nhà. Nhưng anh đã làm em thất vọng quá nhiều. Lời nói của anh không làm em tin nữa, việc đơn giản như anh nói 30 phút nữa anh về (nhưng sau đó anh tắt máy điện thoại) anh cũng không làm được thì việc lớn hơn anh làm sao nổi. Anh không làm đúng lời anh hứa và đã nhiều lần như vậy, có nghĩa là anh không tôn trọng lời anh nói.
Anh cũng từng hứa trả lại số tiền khi vay làm đám cưới, nhưng anh cũng không hề xấu hổ khi anh thốt ra lời “Việc cô vay thì cô tự đi mà trả”. Em nhớ cả đời câu nói của anh. Và em đã phải bán căn hộ của em đi mà trả nợ. Anh vẫn nhớ khi anh lấy em anh đang nợ mấy tháng tiền nhà thuê chưa trả chứ, và anh đang cần tiền để trả nợ những ai, và lúc đó anh có gì trong tay? Việc bán nhà trả nợ là nỗi nhục rất lớn, đối với đàn bà còn thấy thế thì không hiểu đàn ông suy nghĩ thế nào? Vậy thì có cơ sở nào để em tin rằng anh sẽ chia sẻ cho em đi học hay không? Số cổ phiếu còn lại anh không dám để ở nhà nữa là... có đúng không? (PS. Sau đó anh chồng tôi đã tiêu và ăn chơi hết số tiền 120 triệu đồng tiền bán cổ phiếu, là số tiền còn lại khi tôi bán căn hộ bố mẹ cho).
Em đã không hề tiếc khi bỏ tiền riêng của em ra lo việc học hành, trả nợ mẹ nuôi của anh cho anh, anh chưa quên đấy chứ. Anh thử đặt địa vị anh là em thì anh có hy sinh cho em thế không? Anh sẽ suy nghĩ gì về em? Vậy mà tiền chung của cả hai đứa anh dằn vặt em, anh tiếc nuối khi em bỏ ra 5.000$ đi học.
Em sẽ đi học và sẽ không cùng anh tiếp tục xây nhà nữa. Em thông báo để anh biết. Coi như số tiền 5.000$ là em vay của con gái, em sẻ trả lại nó vào tài khoản và số tiền đó để con đi học sau này. Nếu anh cần em có thể trả lại anh một nửa. Em chưa bào giờ lừa dối ai và thất hứa với ai bao giờ. Em có thể ngẩng cao đầu và tự tin về điều này.
Việc quyết định đi học là quyết định “được ăn cả ngã về không” trong hạnh phúc gia đình của em. Đó cũng là cơ hội cuối cùng cho cuộc sống vợ chồng giữa anh và em. Mà có muốn ly hôn luôn cũng không kịp thời gian. Hai năm em đi học, coi như là thời gian thử thách thêm lần nữa. Nếu anh thay đổi được như những điều em mong muốn như trên thì chúng ta tiếp tục sống với nhau. Con nếu không thì đường ai người ấy lo. Em nhắc lại một lần nữa: Có anh thì em hạnh phúc và con em không thiệt thòi, nhưng không có anh mẹ con em vẫn ổn.
Em cũng đã có kế hoạch để cả gia đình mình cùng đi sang nước phát triển mà học hỏi, con có cơ hội học tiếng Anh, vợ chồng có cơ hội có thêm đứa con nữa... Anh có cơ hội học cả tiếng Anh và thấy cuộc sống ở nước phát triển nhất thế giới thế nào..., nhưng quan điểm của anh không giống em. Em đành đi một mình vậy.
Em sẽ để con bé lại cho anh nuôi dạy nó trong thời gian em đi học. Anh sẽ bắt buộc phải có trách nhiệm về cả thể chất lẫn tinh thần của con bé. Anh thích ai giúp anh nuôi dạy con thì tuỳ, nhưng nên nhớ là đừng để con bé nói từ “cái chân” thành “cái châng”. Đừng để con bé học cái kiểu lăn ra giãy đành đạch ăn vạ... Tóm lại là không nên để con anh có cơ hội trở thành đứa trẻ có tính cách như hai đứa con chị gái anh.
Đó là tất cả những gì em cần và mong muốn ở tổ ấm bọn mình. Và em sẽ không thay đổi kế hoạch của em nữa.
KT: Vợ, con.