Mờ thôi, nhưng từng đường cong, nét thẳng, hình ảnh hay màu sắc in hằn vào tâm trí con như một bản phối hoàn mỹ chưa từng chỉnh sửa lập trình sẵn đang đợi trực mảnh tư duy kia gõ nhẹ vào rồi lập tức hiện ra trên một màn trong suốt đặc quánh cái dư vị kỷ niệm. Con nhớ kỷ niệm, con gọi kỷ niệm và con chạm nó quay về. Ký ức tuổi thơ, tuổi đương lớn và cái tuổi trưởng thành của con. Con bắt đầu bước đi, đã đi, đang đi và sẽ tiếp tục bước đi. Trên cái chặng dài dằng dặc của hành trình sống con lại nhớ...
Con nhớ Tết ngày xưa, thèm được về ngày xưa những năm tháng ấy có bố. Cuộc sống hiện tại của con cô sinh viên đại học đã xa nhà hai năm và con cũng đã xa bố mãi mãi, kể từ cái ngày con bước chân vào cái giảng đường đại học này.
![anh-aaaa-1422986536-1237-1423282406.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/07/anh-aaaa-1422986536-1237-1423282406.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GeBfpD1NwFDWXo4x7IuC4w)
Chong chóng luôn quay theo quỹ đạo nhất định, đường đi thì bị cố định rồi đấy nhưng nhiều khi con vẫn hy vọng một lần chiếc chong chóng trước mắt con dừng lại tại thời điểm hai năm kéo dài về trước. Khi ấy con sẽ có những cái Tết đoàn viên đúng nghĩa bên gia đình của mình.
Tết là ngày mà những người thân yêu trong gia đình được đoàn tụ đông đủ bên nhau. Con và bố sẽ lại được trổ tài sáng tạo nấu nướng độc nhất vô nhị với những món ăn ngàỳ Tết vô cùng “kinh điển”. Con thích nhất là lúc hai bố con mình cùng thịt gà để cúng tất niên, bữa cơm cuối cùng của năm. Con giữ cánh và chân gà bố cắt tiết vừa cắt bố vừa lẩm bẩm một câu “Hóa kiếp này cho mày làm kiếp khác” cứ mỗi lần nghe bố lẩm bẩm vậy là con lại cười như nắc nẻ và quên buông tay làm cánh gà vẫy phành phạch rụng hết lông vào bát tiết đang cắt và hai bố con lại được thêm trận cười nữa. Người ta thường nói chuyện sắm Tết, bếp núc là của phụ nữ nhưng với gia đình mình thì không vậy, bố luôn san sẻ công việc với mẹ và con tự hào có một người bố vĩ đại như vậy.
Những ngày Tết con sẽ được thưởng thức món rượu nếp thơm nồng của bố, những chiếc kẹo chè lam truyền thống quê mình ngọt ngào nồng nàn mùi mật của mẹ. Cả những chiếc lì xì đỏ mà bố luôn lì xì con đúng vào thời điểm thiêng liêng nhất, khoảnh khắc giao thừa với mong muốn con luôn hạnh phúc chăm chỉ học tập và ngoan ngoãn. Bố luôn dành cho con những điều tuyệt vời nhất và thiêng liêng nhất.”
![anh-vvvv-1422986551-5775-1423282406.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/07/anh-vvvv-1422986551-5775-1423282406.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eOgS7Y08M6tO6Zx4Eq6dfw)
Bố ạ. Chạm dần vào những ngày Tết con lại nhớ bố nhiều hơn. Có những thứ con cần xếp đặt lại trong cái logic đôi phần lộn xộn đan xen ngổn ngang cả những mớ cảm xúc hỗn độn mà con có thể vô tình đánh lọt vào dòng thời gian con đang gọi về. Có thể là thực cũng có thể là mảnh vụn nào đó đã bắn văng tận nơi xa, bị lãng quên bất chợt nghe tiếng gọi mà thổn thức tìm về. Những mảnh ghép đầu tiên trong suốt lờ mờ rồi dần rõ gương mặt bố. Gương mặt thân quen nhưng đã xa xôi quá để nhiều đêm con khóc thét khi gương mặt ấy hiện về trong chốc lát rồi đi xa không đáp trả một lời gào gọi níu giữ một chút mong manh ở lại. Tỉnh dậy sau những ma mị nồng đặc những nhung nhớ, gương mặt lem nhem nhòe nhoẹt cái gọi là cảm xúc là tình cảm và là cái yếu mềm, mặn chát, ngọt ngào, cay đắng.
Con sẽ chẳng trách những trò đùa trớ trêu của tạo hóa đùa giỡn với con người khi mà nó đã mang đi rất sớm cái tình thân vĩ đại của con. Bố ạ, chỉ là con nhớ cái những cái Tết năm ấy. Hình ảnh bố len lỏi vào tâm trí của con. Tự nhiên, con thấy nghẹn lòng. Con thèm lại ngày xưa thèm được ăn rượu nếp của bố, thèm được cùng bố thịt gà cúng tất niên, thèm được những phong bao lì xì của bố, nó làm con ấm lòng hơn.
Bố ạ, những mảnh ký ức ấy, con sẽ nhặt nhạnh gói ghém vào một góc nhỏ. Sẽ là từ bộ não tới trái tim con. Và những ký ức ấy con sẽ kể bố nghe mỗi dịp năm mới lại về bố yêu nhé.
Yêu bố - con gái của bố.
Đặng Thị Phương
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |