![]() |
Trạm ép rác kín Phan Văn Trị tiếp nhận rác không đúng quy trình. |
Từ nhiều năm nay, việc thu gom rác ở TP HCM luôn là một vấn đề đau đầu. Chỉ ở một điểm hẹn trước chợ Tân Bình, vào khoảng 17h mà đã có hàng trăm xe ba gác rác lần lượt kéo đến, rác đổ vung vãi trên diện tích 50 m2 kéo dài nhiều giờ liền, bốc mùi hôi thối, gây ùn tắc giao thông. Đây không phải là điểm duy nhất mà có đến hàng trăm trường hợp tương tự tên khắp địa bàn thành phố. Việc mất vệ sinh không chỉ xảy ra ở những điểm hẹn lấy rác mà kể cả những trạm trung chuyển và các bô rác.
“Kín” hay “mở” đều làm khổ người dân
Nhằm "xoá sổ" những điểm hẹn này, kế hoạch xây dựng 40 trạm ép rác kín (TERK) ra đời. Theo kế hoạch, TERK được thực hiện theo quy trình khép kín từ nơi thu gom đến máy ép rác, nên xử lý được mùi hôi, không phát tán, không tồn đọng rác...
Hai TERK thí điểm (Phan Văn Trị, Thanh Đa) đã được xây dựng cách đây vài năm. Thế nhưng hiện nay chính hai TERK này lại đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Người dân ngụ ở một số khu vực nơi có đặt các TERK đã phản ứng kịch liệt. Bà con cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) đã nhiều lần “kêu cứu” ở các “cửa quan”, phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Họ cho biết: "Từ 6h đến 9h, các xe rác dân lập nối đuôi nhau nằm giữa đường đợi TERK mở cửa đã gây mất mỹ quan, bốc mùi hôi thối và cản trở lưu thông. Điều tệ hại hơn là quy trình nói trên không có hệ thống xử lý nước rỉ rác, nước rửa sàn đổ thẳng xuống cống công cộng. Cho nên khi trời mưa và triều cường, nước rỉ từ rác trong cống dội ngược lên tràn ngập cả khu vực". Ngoài ra, từ khi TERK ra đời, hàng trăm căn hộ nơi đây ngày đêm phải chống chọi với tiếng ồn, mùi hôi ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống sinh hoạt. Ông Lê Viết Lễ ngụ ở chung cư Thanh Đa than phiền: “Có những ngày cỗ máy ép rác hoạt động từ 9h đến 23h phát ra tiếng ồn ảnh hưởng đến giờ nghỉ ngơi của người dân xung quanh”. Kể cả người đi đường cũng phải chịu đựng mùi hôi thối từ rác. Những ngày bị mất điện, máy ép rác phải ngưng hoạt động, rác được chất thành đống nằm dọc hai bên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh vừa bốc mùi hôi, vừa gây cản trở lưu thông.
Không chỉ người dân ngụ ở cư xá Thanh Đa bị ô nhiễm mà bà con ngụ ở phường 11, quận Bình Thạnh cũng phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm từ TERK số 348/26 Phan Văn Trị.
Những bất cập chưa được tháo gỡ
Việc gây ô nhiễm xuất phát từ hai TERK thí điểm đã cho thấy còn nhiều bất hợp lý. Một cán bộ Phòng kế hoạch - kinh doanh thuộc Công ty Dịch vụ công ích quận 6, nhận xét: “Một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc đầu tư xây dựng TERK là do người dân sợ bị ô nhiễm”.
Theo đúng quy trình hoạt động của TERK, những người thu gom phải dùng thùng có 660 lít có nắp, nhưng hiện nay tại hai điểm trên hầu hết người thu gom đều sử dụng xe ba gác, xe lam...
Lý giải về việc này, ông Trần Đại Đồng, Phó giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP HCM, nói: “Do việc quản lý của các công ty dịch vụ công ích quận, huyện và UBND phường, xã không chặt chẽ nên người thu gom rác sử dụng nhiều phương tiện không đúng quy định”. Còn ông Lưu Văn Xuân, cán bộ quản lý hai TERK, cho biết: “Tại TERK Phan Văn Trị tiếp nhận khoảng 150 tấn rác/ngày. Phương tiện thu gom rác gồm có 250 xe ba gác, 8 xe lam và chỉ có 10 thùng 660 lít. Ngoài ra, việc thống nhất sử dụng loại phương tiện thu gom rác bằng thùng 660 lít không phải dễ vì dùng xe ba gác có thể tải được nhiều rác lại thuận tiện hơn cho người lấy rác”.
Hơn nữa, cách tổ chức điều hành thu gom, vận chuyển, xử lý rác của các đơn vị có liên quan cũng chưa thống nhất. Theo nguyên tắc, rác từ TERK có thể đưa đến bãi để xử lý vào ban ngày lẫn ban đêm để tránh tồn đọng, trong khi đó, bãi rác xử lý rác Đông Thạnh chỉ mở cửa từ 18h.
(Theo Thanh Niên, 6/7)