Đầu tháng 4, nhóm săn ảnh phát hiện tiếng kêu của động vật ở khu rừng gần cảng Tiên Sa. Họ tiếp cận và giải cứu con chồn bạc bị bẫy kẹp vào chân. Hai tình nguyện viên sau đó được một người chuyên đi rừng dẫn đường thâm nhập khu vực gần Suối Ôm, phát hiện 14 bẫy kẹp nằm rải rác ở nhiều vị trí.
Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn kiểm tra thực tế khu vực trên đã thu giữ thêm hai bẫy kẹp. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tổ chức 74 đợt tuần tra, trong đó mở 27 đợt truy quét trong rừng, thu giữ gần 100 bẫy kẹp và hơn 300 bẫy dây cáp, phá dỡ hai lán trại của lâm tặc bỏ lại. Kiểm lâm cũng giải cứu ba con rùa, sóc và khỉ bị dính bẫy.
Bẫy thú được đặt gần tuyến đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Thợ săn đào hố khoảng 10 cm2 để đặt bẫy kẹp, sau đó phủ một lớp lá cây hoặc đất mỏng lên trên. Một số bẫy cột dây cáp nhỏ vào gốc cây để khi thú dính bẫy sẽ không thể chạy thoát. Dấu hiệu nhận biết bẫy là xung quanh được cắm cành cây để dẫn dụ đường đi của thú rừng.
Ông Ngô Trường Chinh, Trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, cho biết việc đặt bẫy thú ở rừng Sơn Trà diễn ra nhiều năm qua do người dân và du khách được tự do ra vào rừng đặc dụng. Trong thời gian dịch Covid-19, tình trạng này được kiểm soát nhưng gần đây tái diễn.
"Hiện trên cả nước không có khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên nào được ra vào tự do như Sơn Trà. Nhiều người vào rừng đặt bẫy, trong khi kiểm lâm không được phép kiểm tra hành chính nên rất khó kiểm soát", ông Chinh nói.
Hoan nghênh việc người dân hỗ trợ giải cứu động vật bị mắc bẫy, tuy nhiên ông cũng lưu ý nhiều người không có kinh nghiệm xử lý tình huống có thể bị động vật hoang dã tấn công. Khi phát hiện thú dính bẫy, người dân cần liên hệ với kiểm lâm để có phương tiện, dụng cụ cứu hộ an toàn.
"Lực lượng kiểm lâm tuần tra ngày và đêm, nhưng chỉ có 8 người quản lý hơn 3.791 ha đất rừng tự nhiên ở Sơn Trà nên cần sự chung tay của cộng đồng", Trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn nói.
Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị. Rừng Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Trên bán đảo còn nhiều loài động vật như voọc chà vá chân nâu, nai, chồn, hoẵng, khỉ.
Hiện mỗi ngày có hơn 1.000 lượt người ra vào bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng đang lên phương án quản lý. Năm 2015, 5 người ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vào rừng Sơn Trà đặt bẫy bắt voọc chà vá chân nâu, bị lực lượng chức năng bắt giữ. Năm 2017, họ bị tòa án tuyên phạt tổng cộng 12 năm tù.