Trong đó, xuất khẩu chuối sang Nhật Bản đạt 6,6 triệu USD và Hàn Quốc là 4,1 triệu USD, lần lượt chiếm 0,6% và 1,3% thị phần chuối nhập khẩu của mỗi nước. Thông tin được ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương chia sẻ tại hội thảo sáng 19/4.
Theo ông Hưng, kết quả này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu nhập chuối hàng năm của mỗi nước. Nhật Bản chi một tỷ USD và Hàn Quốc chi hơn 300 triệu USD nhập chuối mỗi năm. Do đó, dư địa của hai thị trường Đông Á này còn rất lớn.
Cả nước hiện có khoảng 154.000 ha trồng chuối với sản lượng 2,3 triệu tấn mỗi năm, theo Cục trồng trọt. Năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối tươi của Việt Nam đạt 310,6 triệu USD, tăng 34,5% so với năm 2021. Xuất khẩu chuối vượt qua xoài để trở thành loại trái cây có kim ngạch lớn thứ 2, chỉ sau thanh long.
Ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường nhập chuối lớn của Việt Nam là Singapore, Malaysia, Trung Đông, Nga. Với Nhật Bản, theo ông Hưng, chuối tươi Việt còn lép vế so với hàng từ Philippines. "Chuối nhập từ nước này to, đẹp và đều, chiếm hơn 90% thị phần chuối nhập khẩu của Nhật Bản", ông Hưng mô tả.
Trong khi đó, cùng một quả chuối dù nhu cầu nhập của Nhật, Hàn lớn nhưng trồng giống gì, bao bì ra sao, tiếp thị thế nào, doanh nghiệp còn thiếu thông tin, theo ông Hưng.
Tại hội thảo "Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản & Hàn Quốc trong tình hình mới", các chuyên gia đánh giá nông sản, cùng với dệt may và da giày là 3 nhóm ngành còn nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào hai nước này.
Việt Nam lợi thế có 4 hiệp định tự do thương mại (FTA) với Nhật Bản và 3 FTA với Hàn Quốc. Tuy nhiên, nông sản chưa mang về kim ngạch lớn do hai thị trường này yêu cầu cao về chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn. Theo các chuyên gia, đặc điểm chung của hai thị trường này là muốn hàng chất lượng cao nhưng phải rẻ.
Trong khi đó, 5 năm qua, số vụ nông thủy sản Việt Nam bị Nhật Bản trả về tăng liên tục, từ 54 vụ vào 2018 lên 90 vụ 2022, chủ yếu do hàm lượng gây hại vượt phép, phụ gia không định danh. Với Hàn Quốc, số vụ trả hàng có cải thiện nhưng chưa nhiều, còn phát hiện sản phẩm biến đổi gen chưa cho phép.
"Hệ thống quản lý Danh mục thuốc bảo vệ thực vật (PLS) do Hàn Quốc ban hành gần đây quy định 300 loại được phép sử dụng. Trong khi, nhiều loại doanh nghiệp mình đang dùng không thuộc nhóm này nên rất cần lưu ý", ông Hùng nói
Theo ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Aeon Topvalu Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM (JCCH), do độ khắt khe của hàng tươi và thời gian vận chuyển lâu (6-8 ngày đường biển), doanh nghiệp Việt nêm tìm cách xuất các nông sản qua chế biến để thuận lợi hơn. "Sản lượng xoài tươi Việt Nam đi Nhật rất hạn chế, nhưng khi chuyển sang đông lạnh thì Aeon năm ngoái xuất được 360 tấn", ông ví dụ.
Cùng với chất lượng, bài toán giá cạnh tranh hiện cũng khá "đau đầu". Ông Park Ki Jun, Quản lý của Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại TP HCM (KOTRA) cho biết đảm bảo khả năng cạnh tranh về giá so với các cung cấp khác, đặc biệt là Trung Quốc, cần là ưu tiên lớn.
Tình hình đang có phần thách thức khi giá trị của đồng won Hàn Quốc yếu hơn so với USD. Tính đến tháng 4, một USD phải trả 1.300 won so với 1.100 won vào đầu 2019. Trong bối cảnh hiện nay, việc nhập khẩu sản phẩm của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn so với xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang Hàn Quốc.
"Đây là tỷ giá hối đoái gây gánh nặng cho các nhà nhập khẩu Hàn Quốc khi nhập các sản phẩm nước ngoài, kể cả hàng Việt Nam", ông Park Ki Jun nói.
Tương tự, bà Hương Phạm, chủ một công ty nông sản gia đình có có 3 trang trại trồng dứa, xoài, bơ, tía tô, đã từ bỏ giấc mộng xuất khẩu lá tía tô. "Mọi người tính toán một lá tía tô bán qua Nhật giá vài nghìn đồng nhưng thực tế biên lợi nhuận lúc này quá thấp. Hiện tại yen Nhật giảm giá do chính sách nới lỏng tiền tệ nên rất khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu", bà Hương nhận xét.
Về dài hạn, các chuyến gia khuyến nghị cấp chính phủ, thông qua các cuộc đàm phán, cần liên tục mở rộng các mặt hàng thương mại có thể hưởng ưu đãi thuế lẫn nhau. Ví dụ, tính đến năm 2021, trái cây tươi của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ có dừa, dứa, thanh long, xoài, chuối.
Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ 3 và 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3%.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, điều này cho thấy hàng hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng.
Dỹ Tùng