Kim Dung (1924 - 2018) là một trong số nhà văn được nhiều độc giả Việt yêu mến thông qua những tác phẩm võ hiệp. Trong cuốn Lý luận phê bình văn học Trung Quốc thời kỳ đổi mới (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014), giáo sư Lê Huy Tiêu nhận định truyện Kim Dung có sức sống lâu bền. Kể từ lần đầu Bích Huyết Kiếm của ông được dịch và đăng báo năm 1955, đến nay, sức hút ấy duy trì qua nhiều thế hệ bạn đọc.
Báo chí Sài Gòn một thời dịch và in dài kỳ Bích Huyết Kiếm của Kim Dung từ báo Hong Kong. Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch Bích huyết kiếm in trên báo Đồng Nai. Tam Khôi dịch Anh hùng xạ điêu in trên báo Dân Việt, Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử dịch Thần điêu đại hiệp in trên báo Mới. Đến năm 1961, bản dịch Cô gái Đồ Long từ tác phẩm Ỷ thiên Đồ long ký của Tiền Phong Từ Khánh Phụng in trên báo Đồng Nai đã biến những tác phẩm của Kim Dung trở thành "cơn sốt đọc" của người miền Nam, từ độc giả bình dân đến trí thức.
Tuy Tiền Phong Từ Khánh Phụng đi đầu trong việc dịch tác phẩm của Kim Dung sang tiếng Việt, nhiều người đọc vẫn cho rằng dịch giả thành công nhất là Hàn Giang Nhạn với các bản dịch Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký nhờ vào lối văn dịch sinh động, biểu cảm. Hàn Giang Nhạn cũng lập kỷ lục là người dịch sách của Kim Dung nhiều nhất với 14 tác phẩm. Đội ngũ dịch tác phẩm của Kim Dung còn có những tên tuổi như: Dương Quân, Thương Lan, Phan Cảnh Trung, Vũ Ngọc, Điền Trung Tử, Lã Phi Khanh, Khưu Văn. Thậm chí, xuất hiện cả tác phẩm giả mạo của Kim Dung. Thời điểm ở thập niên 1960, riêng tại miền Nam có hơn 30 nhà xuất bản in tác phẩm của Kim Dung.
Trước sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả trước năm 1975, nhiều nhà văn, nhà báo vì hâm mộ tác phẩm của Kim Dung đã lấy bút danh theo tên những nhân vật của ông. Nhà thơ Nguyên Sa lấy bút danh là Hư Trúc. Nhà văn Lê Tất Điều dùng bút hiệu Kiều Phong. Nhà văn Chu Văn Bình ngoài bút danh Chu Tử còn ký tên là Kha Trấn Ác. Nhà văn Vũ Khắc Khoan được bạn bè đặt biệt danh là Hồng Thất Công. Nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lấy bút danh là Mạc Đại tiên sinh.
Không dừng ở đó, việc viết phê bình về Kim Dung cũng phổ biến. Đỗ Long Vân có tác phẩm Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (Trình Bày xuất bản, Sài Gòn 1968), Nguyễn Mộng Giác viết Nỗi băn khoăn của Kim Dung (Văn Mới xuất bản, Sài Gòn 1972), tạp chí Văn học số 34 (15/3/1965) dành một số chuyên san về kiếm hiệp với nhiều bài viết của Thế Uyên, Nguyễn Hữu Dung, Lưu Trung Khảo, Lý Chánh Trung, Nguyễn Viết Khánh, Hiếu Chân. Nhiều bài viết bình luận về tác phẩm Kim Dung xuất hiện trên các báo và tạp chí như: Bách Khoa, Tin văn, Điện tín, Đời, Chính luận.
Làng văn một thời còn dấy lên một phong trào viết truyện kiếm hiệp theo phong cách của Kim Dung, với những tác giả tiêu biểu là Bùi Giáng, Hoài Điệp Thứ Lang (tức nhà thơ Đinh Hùng), Lã Phi Khanh (tức nhà báo Vũ Bình Thư).
Sang thập niên 1990, cùng chủ trương đổi mới, mở cửa, các tác phẩm của Kim Dung - sau thời gian bị gián đoạn trong nước - quay lại với độc giả. Đầu tiên NXB Quảng Ngãi đã ấn hành lại các tác phẩm của Kim Dung nhưng không ghi đúng tên tác giả mà lấy tên Nhất Giang để thuận lợi cho việc phát hành.
Công ty Văn hóa Phương Nam là đơn vị đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm võ hiệp của Kim Dung. Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm của ông lần lượt được dịch lại và xuất bản ở Việt Nam. Đội ngũ dịch giả có các tên tuổi nổi bật như Cao Tự Thanh, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến), Vũ Đức Sao Biển và nhóm cộng sự, Ngọc Thạch, Hữu Nùng, Phạm Tú Châu. Cũng có nhiều dịch giả dịch lại tác phẩm của Kim Dung và cho lên Internet mà tiêu biểu là Nguyễn Duy Chính.
Ngày trước, trên báo Thể thao TP HCM, chuyên mục cờ tướng, các kỳ thủ vẫn được gọi bằng những biệt danh cũng từ truyện Kim Dung. Chẳng hạn nữ Quốc tế đại sư Lê Thị Hương được gọi là Diệt Tuyệt sư thái. Có đến hàng chục website ở Việt Nam đăng tải truyện kiếm hiệp của Kim Dung cũng như những bình luận về tác phẩm của ông. Trên mạng xã hội cũng có những nhóm hay chuyên trang dành riêng cho độc giả yêu mến tác phẩm Kim Dung. Một số nhà phê bình cho rằng từ một hiện tượng văn học, truyện võ hiệp của Kim Dung đã đi vào đời sống xã hội.
Thú đọc truyện Kim Dung được thể hiện qua việc nhiều báo, tạp chí và sách một thời bình luận sôi nổi về nội dung các tác phẩm. Nhiều khảo cứu mang tính chuyên môn được các tác giả như Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Duy Chính, Phạm Tú Châu, Ông Văn Tùng, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Phan Nghị, Vũ Đức Sao Biển, Tuyết Lan, Ngô Thiện giới thiệu đến công chúng.
Độc giả của Kim Dung đa dạng, đủ mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội. Truyền thống tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc đã đóng vai trò nền tảng, tạo cho công chúng, nhất là công chúng các nước châu Á một tâm thức dễ dàng đón nhận tiểu thuyết Kim Dung. Hơn thế nữa, Kim Dung đã mang lại những sắc thái hiện đại cho một thể loại tưởng chừng cổ xưa, thể hiện trong cách xây dựng nhân vật, trong kết cấu tác phẩm và quan niệm nghệ thuật của ông. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tác phẩm của Kim Dung có kết cấu trùng điệp, nhiều tầng nghĩa. Tùy theo từng đối tượng độc giả, tầm tiếp nhận tác phẩm lại mở ra nhiều cấp độ.
Người đọc bình dân bị thu hút bởi những võ công kỳ lạ mà ngay như tên gọi đã gợi sự tò mò: Nhất dương chỉ, Hàm mô công, Giáng long thập bát chưởng, Càn khôn đại nã di tâm pháp hay những mối tình éo le, với đủ mọi thăng trầm, trắc trở, dù là kết thúc bi thảm hay có hậu: Dương Tiêu và Kỷ Hiểu Phù, Trương Vô Kỵ và Triệu Minh, Kiều Phong và A Châu. Người trí thức thì tâm đắc với cách lý giải chính - tà, quan niệm về thiện - ác của Kim Dung, về thân phận con người giữa bao la thế giới, với những kiến thức lịch sử hay kiến thức về một nền văn hóa Trung Quốc.
Hà Thanh Vân