Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) ngày 28/5 ghi nhận mức nhiệt 49,9 độ C tại hai trạm đo ở Narela và Mungeshpur, ngoại ô Delhi. Đến ngày 29/5, các nhà dự báo khí tượng cho biết nhiệt độ mà khu vực này ghi nhận là 52,9 độ C, mức cao nhất mọi thời đại.
Nắng nóng khiến đường phố vắng tanh, khi mọi người đều cố gắng ở trong nhà. "Mỗi khi ra đường, chúng tôi đều có cảm giác như ai đó đang tát vào mặt mình. Đúng là ngày càng khó sống ở Delhi", cư dân Akash Nirmal cho hay.
Ấn Độ thường xuyên trải qua mùa hè oi bức, nhưng nhiệt độ chưa từng cao đến vậy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, với tần suất thường xuyên và gay gắt hơn.
Giới chức New Delhi cũng đã cảnh báo về nguy cơ thiếu nước trong lúc thủ đô đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt, có thể dẫn tới cắt giảm nước sinh hoạt cho một số khu vực. Quan chức thủy lợi Delhi Atishi Marlena kêu gọi người dân phát huy trách nhiệm tập thể, ngăn tình trạng lãng phí nước.
"Để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp như giảm tần suất cung cấp nước từ hai lần một ngày xuống một lần một ngày ở nhiều khu vực", bà Atishi nói. Nguồn nước tiết kiệm được sẽ được phân bổ tới các nơi chỉ được cấp nước khoảng 15-20 phút mỗi ngày.
IMD cũng cảnh báo tác hại của nắng nóng với sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền.
Ngọc Ánh (Theo AFP)