"Thư tay sẽ nói được nhiều điều mình muốn, giữ được những kỷ niệm đáng nhớ", đại úy Nguyễn Bá Sơn, đảo Phan Vinh nói và cho biết chính nhờ những lá thư nơi đảo xa, anh đã cưới được cô vợ xinh xắn.
Vừa lật giở từng trang thư suốt gần chục năm qua vẫn giữ bên mình mỗi khi ra đảo nhận nhiệm vụ, anh Sơn vừa tâm sự: "Tình yêu của vợ chồng mình cũng nhiều chông gai, nhưng chính những lá thư mòn mỏi chờ đợi 6 tháng một lần đã xóa đi ngăn cách để vợ chồng gắn bó với nhau hơn".
Những lá thư từ đất liền luôn là niềm mong mỏi của người lính Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Đông |
Quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa), từ hồi học lớp 10, anh Sơn đã đem lòng yêu người con gái học sau mình một lớp. Chị Cao Thị Thủy, vợ anh Sơn bây giờ nhiều lần giận hờn, bởi anh sớm theo nghiệp lính, cứ đi đi về về. "Chẳng lẽ anh ra phố thị mà quên một tình yêu và đứa bạn học sinh ngày xưa ư?", chị Thủy trách móc.
Rồi khi anh vào cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) nhận nhiệm vụ, ngày đêm canh giữ biển trời, không dành nhiều thời gian cho người yêu, suốt 18 tháng nhận nhiệm vụ, thư từ không được đều đặn, tình yêu giữa hai người tưởng như chấm dứt. "Anh hứa với em rằng anh sẽ không bao giờ là người đàn ông chống gậy quỳ trước em để xin một tình yêu", đại úy Sơn viết lá thư tưởng rằng thư cuối.
Nhưng rồi sau đó, chính những cánh thư đều đặn đã giúp anh chị nối lại mối tình 8 năm để đi đến hôn nhân. Và để chinh phục cô bạn xinh đẹp nhất làng, anh Sơn đã sáng tác thơ: "Chẳng thể nào Thủy hiểu hết lòng Sơn đâu/ Không thể hiểu nỗi u sầu trong ánh mắt/ Em đâu hiểu trái tim Sơn buốt nhức/ Day dứt bao điều mà không nói thành câu. Anh yêu em yêu muôn vàn hoa lá/ Như biển cả và đại dương mênh mông/ Nhưng Thủy ơi Thủy có hiểu hồn Sơn/ Trái tim anh yêu chỉ mình em đó".
Nói đến chuyện viết thư, thiếu úy Bùi Đức Chiên, đảo Tốc Tan, khoe chính những lá thư giúp anh có được cô bạn gái làm giáo viên: "Mình đã viết trên dưới một nghìn lá thư cho người yêu Phương Anh ở Hà Nội. Và những lá thư đã đưa tâm tình, câu yêu thương tới người mình ngày đêm thương nhớ!".
Mỗi khi có người từ đất liền ra đảo, anh Chiên không quên gửi thư về cho người yêu. Nhiều khi buồn, nhớ bạn gái, anh viết hết cả quyển vở gửi vợ tương lai. Đáp lại tình cảm của chàng lính đảo, người yêu anh Chiên cũng nhắn gửi qua lá thư tìm cảm: "Bao giờ được làm vợ anh/ Ngọt ngào dữ dội dịu êm/ Cuồng lên vì sướng đắm chìm vì say/ Để em dâng hiến suốt ngày suốt đêm".
Thượng úy Bùi Đức Chiên biên vội dòng thư để gửi đoàn công tác về đất liền gửi tới người yêu. Ảnh: Nguyễn Đông |
Thượng úy Chiên vừa biên dòng thư để kịp gửi người bạn hết nghĩa vụ về đất liền đưa cho bạn gái, vừa ngâm câu thơ mà lá thư gần đây bạn gái anh nhắn tặng: "Thức đêm thâu nhớ anh yêu/ Đem nhịp tim để thấy bóng hình/ Mơ hạnh phúc ở nơi xa ấy/ Mãi yêu anh mãi chẳng chia lìa". Hay những cảm xúc rất thật của người phụ nữ: “Yêu anh em mong ước/ Được lấy anh làm chồng/ Được mặn nồng ân ái/ Có con trai con gái/ Cho tiếng cười giòn tan/ Quây quần bên mâm cơm/ Mình cùng vui tâm sự/ Trau đồi ít tương tư".
"Bạn gái mình dạy văn, nên thơ có câu có vần, còn mình chỉ biết làm thơ con cóc, nhưng đọc cũng thấy vui. Sau những giờ làm việc/ Anh chỉ mong về nhà/ Để cùng em sum họp/ Quây quần bên con cái/ Hai ta cùng nấu nướng/ Cho bếp lửa thêm hồng/ Cho bữa cơm gia đình/ Sum vầy bên em đó", anh Chiên thật thà.
Ngồi trên tàu HQ 561 để trở về đất liền, binh nhất Vy Thành Trung Đông vừa hết nhiệm vụ ở đảo Cô Lin, bấm điện thoại gọi cho người chị là phóng viên từng đặt chân đến Trường Sa. "Điều em nhớ nhất chính là lá thư chị ấy gửi. Phải nói thật là chữ chị ấy xấu lắm, em luận mãi mới đọc hết được lá thư ấy. Trong thư chị ấy kể vì cả ngày ngồi trên máy tính nên chữ xấu dần. Chị ấy còn bảo từ trước đến giờ chị ấy chỉ viết thư cho bố mẹ, và sau đến là em, em vui lắm", Đông hồ hởi.
Tháng 3/2012, Đông nhận được lá thư từ bạn Dương Thu Hường (sinh viên ĐH Thái Nguyên) gửi lính đảo Cô Lin. "Cái tình đất liền thật đáng quý. Sau đó em đã viết thư hồi âm cho Hường, nhưng viết từ tháng 5 nhưng đến tháng 7 khi có đoàn công tác ra thay quân em mới nhờ gửi được cho cô ấy", Đông kể.
Và từ lá thư chứa đựng bao tình cảm của người lính Trường Sa, Đông và Hường đã giữ được liên lạc, chia sẻ với nhau nhiều chuyện vui buồn.
Nguyễn Đông