Đăng bức thư gửi cha, kèm cuốn cẩm nang sử dụng điện thoại cho mẹ, câu chuyện của chị Thái Hằng, 33 tuổi, khiến người đọc phải suy nghĩ và nhìn lại bản thân về mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ.
Chị Hằng viết:
"TP HCM, 16/9/2017
Kính gửi ba!
Nơi nhận: Thiên đường.
Ba khỏe không, trên đó có bạn không ba? Có ai bàn chính trị với ba không? Ba có hay nhìn xuống con không ba?
Để con kể ba nghe, hồi nãy con xem một video, con đã bật khóc nức nở khi câu cuối kết vang lên: "Hãy để bố chăm sóc cho con". Con ước gì, ước gì... con còn được nghe lời ngọt ngào ấy.
Con ghét coi mấy cái video này quá ba vì nó làm trái tim giả bộ mạnh mẽ của con yếu đuối hẳn đi, dặn lòng thấy là không coi, nhưng tay cứ click vào và rửa mắt ba à.
Giờ con chỉ còn mẹ. Mẹ đã gần 60 tuổi rồi mới tiếp cận công nghệ như iphone, Facebook, Zalo, Viber. Con chính con đó ba, con là người ép mẹ phải dùng đến công nghệ để hỗ trợ mẹ tìm niềm vui trong cuộc sống. Con cũng có lúc bực bội vì chỉ hoài mẹ vẫn không biết xài điện thoại quẹt quẹt (cái mà mẹ nói chính là cái mình gọi smartphone), chợt nhận ra ngày xưa con còn bé cũng chẳng biết cuộc sống bên ngoài như thế nào. Ba là người dẫn đường, cầm đèn soi cho con đi trong bóng tối. Ba có giận khi con đi sai đường không? Có chứ, nhưng rồi cũng là đôi tay ấm áp to lớn ấy lại nắm tay con, đưa con đi và cho con những điều tốt nhất.
Có ba, mẹ ỷ y hoàn toàn vào ba. Mẹ bực lắm, cứ hở tí là nhắc: "Ba mày hồi đó giỏi lắm, mày không bằng một góc của ổng. Ba mày mà ở đây thì không cần đứa nào làm, ổng tự làm hết".
Phải, ba là kim từ điển, là superman, ba cái gì cũng làm được nhưng... ba định cư trên thiên đàng rồi. Thì giờ đây, lý do gì con lại cáu gắt khi mẹ không biết xài những công nghệ mới phải không ba?
Con đã viết ra một cuốn sổ tay nhỏ, vẽ những icon y như trong điện thoại di động, hướng dẫn cách xài để mẹ có thể dễ dàng nhận ra nếu mẹ không nhớ cách sử dụng. Nhịn mẹ nhiều hơn, cũng như quan tâm mẹ nhiều hơn, để bù đắp lại những gì ba không còn làm được, cũng như báo hiếu lại những gì mẹ đã lo cho con từ lúc còn trong trứng nước hết mức có thể.
Oke không đồng chí?
Kí tên: Đứa con gái bướng bỉnh của ba".
Chị Thái Hằng cho biết, 3 năm trước ba chị đột ngột mất do một cơn đột quỵ, mà không kịp nhắn nhủ vợ con điều gì. Sự ra đi của ông khiến chị chới với. "Ba đi xa, cuộc sống mình mất tất cả. Mình vừa làm chị, làm cha, vừa làm bạn thân của mẹ", Thái Hằng nói.
Cũng kể từ lúc đó, cô "công chúa" được ba cưng chiều phải làm bản thân trở nên mạnh mẽ. Chị chôn giấu sự yếu đuối và chỉ cho phép bản thân được khóc trước cha. Ba năm qua, chị đã viết hàng chục bức thư gửi đến người cha trên thiên đường.
Từ sự ra đi của ba, Thái Hằng cũng thấy rằng cuộc sống này mong manh. Vì thế, chị đã viết một cuốn cẩm nang dùng điện thoại cho mẹ, một cuốn bí kíp khác dành cho em trai. "Cuộc sống giờ mong manh, không biết ngày mai ra sao. Như ba mình đi một cái ào không nói tiếng nào. Nên mình muốn mình viết sẵn, để có gì sau này em mình cần nó sẽ biết cách xử lý khi không có mình bên cạnh", cô nói.
Thái Hằng cũng muốn nhắn nhủ, ai còn cha, còn mẹ thì nên trân trọng và hãy cố chăm sóc cho cha mẹ đến khi còn có thể.
Phan Dương