Sách tái bản vào tháng 10 năm nay, được hiệu đính so với bản gốc nhưng giữ nguyên phong cách văn nói của Vương Hồng Sển: "Khi đọc đúng chỗ, sách dạy khôn khéo, vừa an ủi cơn sầu, vừa giúp vui và gây phấn khởi, sách làm đời sống tinh thần người đọc thêm hào hứng, hùng mạnh".
Mượn lời của nhiều tác giả, nhà sưu tầm Vương Hồng Sển gọi "những pho sách xinh xinh" là "bằng hữu". Khi cần tìm hiểu điều gì, ông sẽ tìm câu trả lời trong những trang giấy. Sách nhắc ông nhớ về những kỷ niệm trong quá khứ, chỉ ra những điều mới lạ trên thế giới, đồng thời cung cấp những bài học về lẽ sống và cách đối nhân xử thế.
Vì những giá trị sách mang lại, tác giả cho rằng người chơi cần bảo quản cẩn thận, "cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa". Ông ghi: "Thử hỏi chừng nào xã-hội chúng ta mới có hạng người biết thương sách, mê sách, biết chơi sách và trân-trọng xem cuốn sách như những bạn tốt, đáng được gìn-giữ lâu dài, và muốn được như thế, cần phải biết dày công săn-sóc, nhất là phải biết nương tay... Lật mạnh tay, lật bằng móng tay, lật bằng tay thấm nước miếng, gạch làm dấu trong sách bằng móng tay ghì mạnh, bẻ gãy trang sách để nhớ chỗ, mặc dầu đi Tây về, mặc dầu có bằng chuyên môn quản-thủ thư-viện, có những cử-chỉ trên kia, chưa xứng mặt là nhà chơi sách".
Xuất phát từ thói quen tìm hiểu kiến thức, Vương Hồng Sển sưu tầm ấn bản khác nhau của cùng một tác phẩm. Từ ấn bản đầu tiên đến những bản in giấy đẹp, có chữ ký tác giả, tranh vẽ minh họa hay có thêm nội dung. Trong Thú chơi sách, Vương Hồng Sển liệt kê 26 ấn bản Truyện Kiều và 11 phiên bản Lục Vân Tiên mà ông sưu tầm được.
Vương Hồng Sển quan niệm: Người chơi không chỉ yêu sách mà còn phải biết phân biệt sách hay sách dở. Theo ông, người chơi sách ban đầu thu thập mọi tác phẩm mình bắt gặp, sau đó chọn lọc những cuốn sách vừa được in khéo, bìa đẹp, vừa có nội dung sâu sắc. Những yếu tố này giúp nâng cao sức sống của tác phẩm sau này. Ông còn khuyến khích mọi người đọc nhiều, phải có sách tiếng Pháp, Anh, Trung và sách chữ Nôm, ngôn ngữ quan trọng của dân tộc.
Tác giả nhớ lại tuổi thơ của mình, về người mẹ gieo vào lòng ông tình thương với sách, về câu chuyện hay nhân vật thú vị mà ông gặp được trong quá trình sưu tầm. Những mẩu chuyện nhỏ giúp độc giả hiểu thêm về tính cách của tác giả, một trong những nhà văn hóa nổi tiếng của vùng Nam bộ.
Sách có đoạn: "Mẹ tôi mất năm 1913, lúc tôi vừa được mười-một tuổi, ngây thơ nào biết gì. Mẹ tôi sắm nhiều bộ truyện Tàu, Tam-Quốc, Nhạc-Phi, Phấn-trang-lầu dành dụm từ cắc từ xu, đếm đủ bốn cắc bạc mới mua được một cuốn truyện mỏng-dánh 'xem một chút một lát thì hết' (lời mẹ tôi nói). Thế mà mẹ con đêm nào như đêm nấy, thức chong đèn dầu lén đọc đi đọc lại mãi cũng bao nhiêu cuốn ấy: mẹ tôi nhờ nó mà biết chữ quốc-ngữ; tôi cũng nhờ nó mà hiểu qua các điển-tích Tàu và 'hiếu trung' hai chữ.
Nay mẹ còn ở chốn âm-cảnh lạnh-lẽo tối-tăm hay đã đi đầu thai lớp khác? Con đây, mỗi khi lấy truyện cũ ra xem lại, lật đến những trang vấy dầu lem-luốc con không quên những đêm mẹ con đọc truyện dưới ánh đèn tọa-đăng. Truyện còn đây, đèn vẫn còn đây, con cũng còn đây. Duy mẹ đã không còn và chừng nào mới đến phiên con về chốn ấy để mộ con gần bên mả mẹ?".
Theo đại diện nhà xuất bản, dù ra mắt hơn 60 năm, tác phẩm vẫn khiến nhiều người yêu sách thời nay đồng cảm với tác giả, khi Vương Hồng Sển mong muốn mở một hiệu sách cổ, hay sự kén chọn với từng tác phẩm, buồn bực trước "cái họa cho mượn sách":
Truyện hay mua lấy để mà coi,
Tới mượn không cho nói hẹp hòi,
Quân tử trao ra nào có tiếc,
Mất công cho mượn, mất công đời (Khuyết danh)
Trong đợt tái bản, phiên bản mới có bìa cứng được minh họa với phong cách cổ xưa, thêm bìa áo bọc ngoài. Sách có thêm những tấm ảnh tư liệu do biên tập viên chụp tại Vân Đường phủ, căn nhà của học giả Vương Hồng Sển. Phần mục lục nêu rõ nội dung từng phần, giúp độc giả thuận tiện tra cứu và tham khảo. "Tác phẩm giúp khơi gợi việc giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc", đại diện nhà xuất bản cho biết.
Thú chơi sách do nhà xuất bản Tự Do xuất bản lần đầu năm 1960. Đến nay, những ấn bản xưa của tác phẩm được nhiều người săn lùng. Năm 2019, một phiên bản đạt 35 triệu trong một cuộc đấu giá sách tại Đường sách TP.HCM.
Vương Hồng Sển (1902-1996) bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Khi qua đời, ông tặng Vân đường phủ và 849 cổ vật trong bộ sưu tập đồ cổ của mình cho nhà nước, với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông.
Ông đam mê đọc sách, sưu tầm và ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, khảo cứu các trò chơi cổ truyền như đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng cây kiểng. Nhiều tác phẩm của Vương Hồng Sển thuộc dạng hồi ký, bút ký, là nguồn tư liệu cho thấy đời sống, văn hóa người Việt.
Quế Chi