Ngày nay có nhiều loại cây cảnh phục vụ nhu cầu chơi Tết, thú chơi mai trắng đang bị mai một. Nhưng đâu đó trong lòng Hà Nội vẫn có những người say mê loài hoa đẹp bậc nhất trong "thập đại danh hoa" xưa.
Ở làng Nhật Tân (Hà Nội), hiện vẫn có nhiều gia đình trồng giống mai quý này dù nhu cầu thị trường không cao. Người yêu vẻ đẹp tinh tế của loài hoa này sẵn sàng bỏ ra vài triệu tới vài chục triệu để thuê một cây mai trắng chơi dịp Tết.
Theo nhà mỹ học, chuyên gia sinh vật cảnh Trịnh Thuận Đức, hoa mai có ảnh hưởng sâu đậm trong suốt chiều dài lịch sử. Sử sách còn ghi lại: "Đời nào người An Nam cũng cống hoa mai. Nhờ có món cống phẩm ấy mà người Trung Quốc mới biết được vẻ đẹp đó".
Giống mai được đề cập đến trong lịch sử là loài mai trắng miền Bắc. Nhà thơ Sái Thuận, tiến sĩ dưới đời vua Lê Thánh Tông, vốn là người giỏi văn thơ, yêu hoa cỏ. Trong đó, ông yêu thích nhất mai trắng và đã để lại những vần thơ tuyệt tác: "Phong tư như băng tuyết chẳng nhuốm bụi hồng/ Phẩm chất trong trẻo, hàm chứa vẻ thẹn của viên ngọc trắng". Hay như thi hào Cao Bá Quát cũng có đôi câu đối bất hủ: "Thập tải luân giao cầu cổ kiến/ Nhất sinh đê thủ bái Mai Hoa”.
"Mai trắng đẹp nhất khi hàm tiếu. Lúc đó, trên cây có vài bông bắt đầu nở trắng, vài nụ phớt hồng he hé, lộc mơn mởn phía sau. Màu lá xanh non, hoa trắng muốt, đặt trên một bàn ghế gỗ, phía dưới lót một tấm lụa màu hay đặt một thau nước để cánh hoa rụng xuống rất đỗi nên thơ. Trong cái tiết trời mùa xuân, cùng với bạn tâm giao ngắm hoa thưởng trà là tuyệt nhất", ông Đức cho biết.
Có thâm niên hơn 20 năm chơi hoa mai trắng, ông Lê Xuân Thủy, một kỹ sư nông nghiệp ở Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: "Chơi nhiều cây cảnh nhưng vẫn thích nhất hoa mai trắng. Lúc thì nó mang cốt cách người quân tử ngay thẳng, kiên cường, khi lại như bóng dáng thiếu nữ mình hạc xương mai, cốt cách, thanh tao".
Mai trắng miền Bắc còn gọi là chi mai, cùng họ với đào, mơ, mận. Lúc chưa nở, nụ mai màu hồng, khi nở rồi thì chuyển sang trắng muốt, vài ngày sau lại chuyển sang phớt hồng rồi mới tàn. Người chơi thường chăm chút cho bộ gốc rễ thật đẹp, cổ kính, phong sương, tán hoa đẹp và bông trắng muốt.
Để được một cây mai nở hoa đẹp, việc chăm sóc đòi hỏi nhiều công sức và cả kinh nghiệm. Theo đó, chi mai là giống ưa nước nhưng không nên tưới quá ẩm. Cây mai cần vẻ đẹp mảnh khảnh, người có kinh nghiệm sẽ không để cho cây tốt lá tốt cành. Sang mùa hè, mai hay bị chảy nhựa, sâu đục thân nên phải lưu tâm. Có thể dùng nước vo gạo hay nước ốc để tưới cho cây.
Việc uốn tỉa cũng khá công phu, uốn mai có khi mất cả năm mới vào thế, tỉa mai thường 2 lần trong một năm. Sau khi chơi Tết, người chơi sẽ chăm mai đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 Âm lịch để có độ dài của dăm như ý. Từ đó đến Tết, họ phải cắt tỉa, trước Tết tuốt lá để ra hoa.
Mai nở phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Có năm trời lạnh, gần tới Tết mà nụ mới nhú thì phải cho mai vào nhà thắp điện sợi đốt cho ấm, đồng thời tưới nước ấm, ủ bã chè vào gốc. Sáng ra phải cho mai ra ngoài trời, cứ thế ngày 23 mà hoa bung vỏ lụa thì đến Tết Nguyên đán sẽ nở bung đẹp.
Theo ông Hiệp, cũng không nên chăm cho hoa nở cùng một độ. "Mai trắng đẹp, quý ở bộ rễ, thân cành của nó. Nở điểm vài bông hoa thật to, thật trắng cũng đủ làm sáng bừng cả không gian. Cây mai duyên dáng biết nhường nào khi có cả nụ, cả hoa thấy cả cái dáng phong sương, yêu kiều của nó", ông nói.
Để hoa đẹp tuyệt đối thì thời tiết mưa phùn gió bấc là thích hợp nhất. Lúc đó, bông sẽ trắng tinh, nở bung to, lâu tàn và mang hương thơm dịu ngọt. Còn khi trời nắng, hoa bị nở ép, không trắng và căng tràn nhựa sống.
Chính bởi sự cao sang, tao nhã mà thú chơi mai vẫn được lưu giữ. Người chơi cây cảnh nào cũng muốn có một vài cây góp niềm vui khi ngày xuân đang đến.
Ảnh: Kỳ công trong việc chăm sóc hoa mai
Phan Dương