Dường như ít có cơ hội để chia sẻ niềm đam mê của mình, nên khi được ngỏ lời, Hùng nói say sưa: "Mỗi cái điện thoại mang đặc trưng rất riêng của hãng và nước sản xuất ra nó. Ngắm nghía chúng, tôi còn cảm thấy phảng phất cái hồn của mỗi dân tộc ở đâu đó trong những đường nét thiết kế. Ví như Ericsson của Thụy Điển, đặc trưng phong cách Bắc Âu, nhiều nét thẳng, thô cứng nhưng thực dụng và rất bền. Có lần, được nghịch một cái điện thoại của Pháp, tôi cảm nhận rõ sự lãng mạn trong cách trình bày menu hay sự thể hiện tính năng, giống như xe hơi Renault Peugeot vậy".
Một số máy Nokia 9110i cũ. Ảnh: GSMA |
Bắt đầu sưu tập điện thoại đời cũ cách đây khoảng 5 năm, Hùng còn tìm hiểu những tiến bộ công nghệ sản xuất thiết bị alô qua từng thời kỳ. Từ lúc mỗi máy đầu cuối là một cục gạch thô kệch, sim phải cắm cả tấm to tướng cho đến khi xuất hiện các khe cắm thẻ nhỏ xíu. Từ những máy dùng pin Nikken cồng kềnh, dung lượng thấp cho đến thiết bị xài pin Lithium, rồi Polymer đời mới.
Bình, lập trình viên ở TP HCM, lại bị những chiếc điện thoại cũ mê hoặc bởi vẻ đẹp cổ điển và sự chắc chắn. "Tôi có tới 3 'cục gạch dễ thương' gồm: Nokia 9110i, 8110 và Ericson 688. Dùng những thứ này, tôi thấy mình khác biệt", Bình chia sẻ. "Những máy này rất chất, đồ cổ rồi nhưng chỉ để nghe, gọi và nhắn tin thì vô tư về pin và sóng".
Vì là hàng lỗi thời, hết mốt, lại bị hạn chế trong ứng dụng công nghệ nên các thiết bị cũ khó có thể đảm bảo được chất lượng sử dụng. Vì thế, đa phần dân chơi chỉ sắm chúng như một thứ đồ dùng thêm và vẫn phải kè kè bên người một "con máy" thật "ngon" phục vụ công việc. Nhưng điều đó không làm khó các "tay chơi" muốn "ôm" nhiều máy một lúc. Thêm vào đó, giá cước hòa mạng ngày càng rẻ, sim nhiều khi được biến thành quà khuyến mại và tuổi thọ của mỗi model thiết bị cứ rút ngắn lại dần.
Trong những ngày này, Hà Nội đang dấy lên phong trào chơi Nokia 9110i với số lượng tiêu thụ lên tới 50 đến 70 chiếc/tháng. Nguồn hàng này được độc quyền bởi hai sinh viên đang học mỹ thuật công nghiệp. Giang và Nam đều là những thanh niên ham mê xe máy, điện thoại hay đồ công nghệ cổ nói chung. Họ coi việc mua đi bán lại thoại cũ trên các diễn đàn trực tuyến như một thú vui, vừa là học cách kinh doanh, vừa thỏa mãn niềm yêu thích của bản thân. "Tụi tôi không mở cửa hàng, cũng không tạo website buôn bán chuyên nghiệp vì như thế là làm ăn thật sự mất rồi. Hơn nữa, đồ cổ thường là hàng hiếm, chỉ thích hợp với việc trao đổi mua bán lẻ tẻ. Chúng tôi rao trên mạng, ai có nhu cầu thì hẹn gặp để thương lượng trực tiếp", Giang cho biết. "Riêng với mặt hàng Nokia 9110i đang hot như vậy tôi cũng không ngờ là nó đắt hàng đến thế. Lúc đầu chúng tôi chỉ có một hai chiếc do người quen đem về từ Đức. Sau khi bán cho bạn bè, họ cứ truyền nhau rồi đặt mua thêm. Giờ thì hàng này trở nên khan hiếm vì nhu cầu nhiều quá".
Bức ảnh Giang và chiếc máy điện thoại cổ được dùng để quảng cáo trên các diễn đàn online. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Coi là thú chơi nên Giang và Nam chấp nhận cả những thua thiệt khá lớn khi kinh doanh "dế cổ". Họ cho biết cứ 10 máy nhập về thì có tới 3-4 máy buộc phải vứt đi vì "chết" hoàn toàn. Cả hai cũng không đầu tư gì cho việc "tút tát" lại máy. Chỉ đơn giản là kiểm tra chất lượng sử dụng, lau chùi rồi bán vì người biết chơi thực sự cũng thích hàng nguyên bản như vậy. Thậm chí, bề ngoài nhiều vết trầy xước, cũ kĩ lại càng hấp dẫn.
Mỗi chiếc Nokia 9110i được Giang và Nam báo giá 950 nghìn và giao hẹn không mặc cả. Tuy nhiên, đôi khi mức giá lại được hai "tay chơi" quyết định một cách tùy hứng. "Có lần, gặp người khách nói chuyện hợp quá nhưng họ lại không có nhiều tiền, chúng tôi đã bán cho họ với giá bằng một nửa mức rao lúc đầu, lỗ nặng thương vụ đó. Nhưng vẫn thấy thỏa mãn", Nam kể. "Nhưng cũng có lúc, người mua không biết chơi, toàn hỏi linh tinh và cò kè từng đồng, chúng tôi bỏ về luôn, dứt khoát không bán nữa".
Cũng giống như bất kỳ thú chơi đồ cổ nào khác, người có niềm đam mê thực sự đối với những thiết bị công nghệ cũ kỹ tìm thấy ở chúng sức hấp dẫn riêng và luôn biết cách để thỏa mãn sở thích ấy với những tìm hiểu, sưu tầm, chăm sóc tỉ mỉ. Nhưng khi đã trở thành phong trào thì việc chơi xem ra cũng thiếu đi sự tinh tế ở những người thích a dua. Theo Giang, có nhiều trường hợp đến mua máy cổ nhưng cứ hỏi vì sao không có quay phim, chụp ảnh. "Tôi còn nhớ có người mua Nokia 9110i đem về rồi. Một tuần sau gọi lại thắc mắc: hình như máy hỏng chế độ rung".
Nguyễn Anh