Các nhà bảo tồn chia sẻ những bức ảnh mới về thú ăn kiến khổng lồ bạch tạng duy nhất còn sống trên Trái Đất, được cho là ít nhất một năm tuổi, Live Science hôm 19/5 đưa tin. Nhóm nghiên cứu từ Anteaters and Highways (AHP), dự án lâu năm về các vụ va chạm giữa thú ăn kiến và xe cộ do Viện bảo tồn động vật hoang dã Brazil (ICAS) tiến hành, lần đầu tiên phát hiện con vật độc đáo vào tháng 12/2022 ở một nông trại tại bang Mato Grosso do Sul. Họ đặt tên cho nó là Alvin.
Khi đó, Alvin đang bám trên lưng mẹ nó, hành vi thường gặp ở mọi con thú ăn kiến khổng lồ non (Myrmecophaga tridactyla) dưới 10 tháng tuổi. Các nhà nghiên cứu chụp ảnh cá thể trắng như tuyết và lắp thiết bị định vị GPS để theo dõi chuyển động của nó trong tương lai, theo đại diện của AHP.
Hôm 10/5, AHP chia sẻ hình ảnh mới của Alvin qua mạng xã hội Facebook. Con thú ăn kiến màu trắng hiện nay dài 1,5 m và nặng 14 kg, chứng tỏ nó đã hơn một tuổi và sắp trưởng thành đầy đủ. Alvin cũng được đổi vòng GPS mới do thiết bị cũ không còn vừa với nó.
Bạch tạng là hội chứng di truyền ngăn động vật tạo ra melanin, sắc tố đem lại màu sắc cho da, lông, vảy và mắt của chúng. Kết quả là cá thể bạch tạng dường như màu trắng hoàn toàn và có mắt màu hồng. Mắt và da của chúng rất nhạy với ánh sáng, có thể gây suy giảm thị lực và khiến chúng dễ bị cháy nắng hơn. Bạch tạng có tính di truyền, cả con bố và mẹ đều phải mang một bản sao của gene.
Mối đe dọa chính đối với phần lớn động vật bạch tạng là nguy cơ bị ăn thịt cao hơn do màu sắc bên ngoài làm chúng nổi bật giữa môi trường sống. Điều này dường như đúng với trường hợp thú ăn kiến khổng lồ. Hồi tháng 8/2021, nhóm nghiên cứu AHP tìm thấy xác của một con thú ăn kiến khổng lồ bạch tạng đực sắp trưởng thành ở cùng khu vực với Alvin. Cái xác có dấu hiệu bị ăn thịt.
"Khi chúng tôi tới đó, nó đã chết, nhưng chúng tôi có thể thu thập mẫu vật di truyền và gửi cho phòng thí nghiệm phân tích", tiến sĩ Débora Yogui, bác sĩ thú y ở AHP, chia sẻ. Thông qua so sánh ADN thu thập từ cá thể bạch tạng đầu tiên với ADN của Alvin, các nhà nghiên cứu có thể xác định chúng có liên quan hay không.
Nếu Alvin và thú bạch tạng đã chết không liên quan trực tiếp, điều đó có thể hé lộ nguồn gene của loài vật đang giảm dần do giao phối cận huyết. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ đây là kết quả từ việc môi trường tự nhiên bị phá hủy do nạn chặt phá rừng của con người. Thú ăn kiến khổng lồ hiện nay nằm trong danh mục dễ tổn thương trong Sách Đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Nhóm nghiên cứu lo ngại ngay cả khi Alvin sống sót trước động vật săn mồi, nó có thể bị ảnh hưởng do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng Mặt Trời. Thú ăn kiến tìm cách dành thời gian nóng nhất trong ngày dưới bóng râm bởi thích nghi kém với nhiệt độ cực hạn. Nhưng nạn chặt phá rừng làm mất đi bóng râm che nắng, gây ra vấn đề lớn cho Alvin bởi làn da nhạy cảm của nó. Các nhà nghiên cứu AHP sẽ tiếp tục theo dõi quá trình phát triển của Alvin nhưng sẽ không can thiệp nếu nó bị ốm hoặc bị động vật ăn thịt tấn công.
An Khang (Theo Live Science)