Trồng hoa công nghệ cao tại Lâm Đồng phát triển khá mạnh những năm gần đây ở cả hoa cắt cành và hoa để chậu, với nhiều loài nổi tiếng như: lyly, tulip, ly-ơn, hồng, cẩm chướng… Hằng năm, tỉnh này sản xuất ra 2,5 tỷ cành hoa để cung cấp thị trường nội địa và xuất khẩu.
Dự kiến, trong 3 năm tới, Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt sẽ đi vào hoạt động. Đây sẽ là bước đầu để Lâm Đồng sản xuất hoa đủ điều kiện đấu thầu, đấu giá trong tương lai. Ngoài ra, trung tâm này cùng với các điểm trồng hoa, rau quả khác sẽ chính thức được chọn để tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Ông Vũ Văn Tư – Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay, nhiều đơn vị tại tỉnh này đạt doanh thu hằng năm đến 2 tỷ đồng mỗi hécta, góp phần đưa nông dân Lâm Đồng vào top nông dân địa phương có thu nhập hàng đầu cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất trồng trọt tại Việt Nam đang là 83 triệu đồng. Riêng ở Lâm Đồng, theo ông Tư, con số này đang dao động từ 150 triệu đến 170 triệu đồng. Còn nếu tính riêng ở mảng nông nghiệp công nghệ cao thì số liệu từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, giá trị sản xuất bình quân mỗi năm của hoa công nghệ cao tại đây là từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng mỗi hecta, các loại rau trồng theo công nghệ cao cũng đạt 450 - 500 triệu đồng mỗi hecta.
“Với sự hỗ trợ của JICA (Nhật Bản), chúng tôi đang triển khai một dự án về tiếp cận nông nghiệp theo hướng đa ngành, tức là từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển sẽ gắn luôn với hoạt động văn hóa và du lịch. Biến trung tâm giao dịch hoa trở thành một điểm du lịch để giới thiệu”, ông Tư chia sẻ.
Hiện tại, ngoài giữ kỷ lục về sản lượng hoa và giá trị thu về trên mỗi hécta hoa, Lâm Đồng cũng đang giữ nhiều kỷ lục khác trong nông nghiệp, như là vùng trồng chè lớn nhất cả nước, vùng nguyên liệu cà phê lớn thứ hai cả nước, vùng trồng rau cũng thuộc hàng top đầu với diện tích 60.000 hécta. Tuy nhiên, dù là địa phương dẫn đầu về nông nghiệp nhưng Lâm Đồng cũng còn một số hạn chế. Đơn cử như ở mặt hàng rau, dù 90% sản lượng đã đảm bảo an toàn thực phẩm, 40% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn ở mức cao.
“Khâu giá trị gia tăng cao nhất chính là chế biến. Chúng ta sản xuất nông sản mà không chế biến thì chắc chắn chỉ có bán thô. Rau của Đà Lạt hiện nay nếu chế biến theo kiểu truyền thống là gặt hái, sơ chế rồi mang đi tiêu thụ thì hao hụt trong sơ chế khoảng hơn 25%. Đây là con số cực kỳ lớn”, ông Tư thẳng thắn nhìn nhận.
Viễn Thông