THPT FPT Cần Thơ là một trong những hệ thống trường tư thục, mang đến nhiều sự lựa chọn học tập, cơ hội trải nghiệm cho học sinh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và toàn quốc nói chung.
THPT FPT cơ sở Cần Thơ với mô hình đào tạo nội trú, mong muốn tạo ra ngôi trường nơi học sinh được phát triển cá nhân toàn diện. Các em có thể xác định được đam mê, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử, nhất là tinh thần tự lập, biết yêu thương cha mẹ, thầy cô.
Để rèn luyện cho học sinh nhiều đức tính tốt, ngoài việc giảng dạy ở trường, THPT Cần Thơ còn lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, tạo cơ hội cho học sinh, phụ huynh tham gia các buổi tọa đàm cùng diễn giả.
Trong buổi tọa đàm "Yêu con là bản năng - Dạy con là nghệ thuật" gần đây nhất vào ngày 25/4, Thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên Thúy - Hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân - Cố vấn cao cấp hệ thống giáo dục ATY cùng phụ huynh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thời gian nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái, cách giúp con bước ra khỏi vùng an toàn. Chương trình thu hút sự quan tâm của gần 400 phụ huynh, học sinh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong buổi tọa đàm, Tiến sĩ Thành Nhân hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách trở thành bạn của nhau, tâm sự và đồng hành để tìm được tiếng nói chung trong cách giải quyết vấn đề, từ chối những đòi hỏi vật chất chưa hợp lý. Những câu chuyện thực tế về tình mẫu tử, sự hối hận muộn màng của đấng sinh thành chưa dành nhiều thời gian lắng nghe tâm sự của con nhận được sự đồng cảm của nhiều cha mẹ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên Thúy - Hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ nhắn nhủ gia đình rất quan trọng bởi người gần gũi tiếp xúc các em không ai hơn cha mẹ. Thông qua chương trình, nhà trường mong muốn chính phụ huynh có góc nhìn rõ hơn về yêu thương con đúng cách.
Tiến sĩ Thành Nhân khuyên phụ huynh không nên bảo bọc quá kỹ, càng bảo bọc con càng trở nên cô đơn bởi không thể hòa nhập cùng các bạn trong lớp. Bên cạnh tình yêu thương, dạy con tự lập sẽ giúp con trưởng thành, tự tin hơn.
Một vài nguyên tắc giáo dục các em được Tiến sĩ Thành Nhân nêu ra và nhận được sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường như cha mẹ không nên có tâm lý bảo bọc, bù đắp cho các em về vật chất, cần kiên nhẫn lắng nghe. Mỗi ngày, cha mẹ có thể dành một giờ không phê bình để nghe nỗi lòng của con.
Nếu học nội trú, mỗi ngày, các em phải dành khoảng 10 phút để trò chuyện cùng cha mẹ. Đây là những quy tắc mà phụ huynh nên đặt ra cho con tuân thủ. Tâm lý học ở xa về còn giúp cho con cái và đấng sinh thành có nhiều chuyện để chia sẻ cùng nhau. Trong môi trường nội trú, học sinh có cơ hội để học cách trưởng thành nhưng sự gắn kết với gia đình cũng rất quan trọng.
Tại trường học, cô Uyên Thúy cho biết, giáo viên THPT Cần Thơ cũng chú trọng dành thời gian để lắng nghe chia sẻ, tâm tư của các em. Khi các em sai thì góp ý theo từng cá nhân, phân tích hành động sai để các em tự nhận ra lỗi lầm và sửa đổi.
Chị Bích Châu, phụ huynh của một học sinh THPT Cần Thơ cho biết, chính cách giáo dục phù hợp của nhà trường, tạo sự gắn kết với cha mẹ nên sau thời gian học, con của chị từ "cá biệt" trở thành đứa trẻ biết suy nghĩ và bày tỏ với cha mẹ.
"Cha mẹ là bậc thầy về dạy kỹ năng cho con, 90% điều con học được là từ cha mẹ, trường học đóng vai trò đồng hành giáo dục để các em trở thành người tốt, phát triển toàn diện. Vì vậy, sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường rất quan trọng", Tiến sĩ Thành Nhân nói.
Ngọc An (Ảnh: THPT FPT Cần Thơ)