Ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết, dự án Quốc lộ 3 mới có mục tiêu giảm ách tắc và tai nạn giao thông, giảm thời gian chi phí vận chuyển, nâng cao tốc độ chạy xe và đặc biệt đẩy mạnh giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản là hơn 6.600 tỷ đồng và vốn đối ứng Việt Nam là 3.340 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được khởi công từ tháng 11/2009 với tổng chiều dài 63,8 km qua ba địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, với 18 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 2,7 km, 15 cầu vượt đường ngang.
Quy mô bề rộng nền đường là 34,5m; trong đó đoạn Ninh Hiệp-Sóc Sơn dài 26,9 km có bề rộng mặt đường là 21m với 4 làn xe chạy và 2 làn xe dừng khẩn cấp; đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên dài gần 37 km có bề rộng mặt đường 18m với 4 làn xe chạy.
Do việc giải phóng mặt bằng chậm, một số đoạn thuộc gói thầu PK1 (đoạn qua địa bàn Hà Nội - Bắc Ninh) có chiều dài gần 3 km chưa đạt độ lún theo thiết kế, nên theo ông Long, để đảm bảo thời gian thông xe, các đơn vị vẫn sẽ phải thực hiện các phương án xử lý kỹ thuật đảm bảo thông xe an toàn và êm thuận.
"Những đoạn đường nói trên sẽ được cắm biển theo dõi chờ lún và bù lún trong quá trình khai thác", ông Long khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận, Quốc lộ 3 mới là đường cao tốc dài nhất nước tính đến nay. Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến trình phát triển nhanh, bền vững của quá trình công nghiệp hóa với các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên và các vùng Việt Bắc.
Với những người dân phải di dời do tiến hành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, Thủ tướng đề nghị các tỉnh tiếp tục quan tâm, chăm lo công ăn việc làm, đời sống cho người dân vùng dự án đã giao lại đất cho công trình này; đồng thời rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch để khi con đường này đi vào sử dụng sẽ phát triển đô thị công nghiệp, bố trí dân cư theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo đời sống nhân dân vừa phát triển sản xuất vừa đảm bảo mỹ quan, trật tự, an toàn giao thông.
Theo quy định của Bộ Giao thông, các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc bao gồm xe ô tô con, xe khách, xe tải, container. Trong thời gian đầu khai thác, phương tiện chỉ di chuyển tốc độ tối đa là 80 km/giờ, trừ ba đoạn chỉ được lưu thông tốc độ 60 km/giờ (đoạn chờ lún qua cầu Phù Lỗ; nút giao đèn tín hiệu qua cầu vượt Phổ Yên; đoạn qua khu công nghiệp Yên Bình).
Sau khi các hạng mục công trình trên toàn tuyến được hoàn thành (tạo nhám, xử lý hết lún, hoàn chỉnh nút giao…) tốc độ lưu thông sẽ được điều chỉnh lên từ 80-100 km/giờ.
Trước đó, ngày 13/7, Bộ Giao thông Vận tải đã thông xe kỹ thuật 31,8 km đường cao tốc đầu tiên đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên.
Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp chính (PK1A dài 7km từ Gia Lâm-Đông Anh, PK1B dài 10,8km từ Đông Anh-Yên Phong, PK1C dài 9 km từ Yên Phong-Sóc Sơn và PK2 dài 34,4km từ Sóc Sơn – Thái Nguyên). Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 2, đơn vị trúng thầu gồm liên danh: Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8), Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1). |
Bá Đô