Bộ Công an chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước đang được thi hành từ ngày 1/4/2001.
Theo cơ quan này, Pháp lệnh dù tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước, song quá trình triển khai nhiều năm qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tiễn. Chẳng hạn, tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước thời gian qua diễn biến phức tạp; một số nội dung của công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã được quy định trong Pháp lệnh năm 2000 nhưng chưa cụ thể, đầy đủ... Do đó, Bộ Công an cho rằng cần thiết phải xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Dự thảo gồm 5 chương, 38 điều, quy định cụ thể nhiều nội dung quan trọng tạo hành lang pháp lý trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.
Thông tin nào là bí mật nhà nước?
Trong dự thảo, khái niệm bí mật nhà nước đã được làm rõ hơn so với Pháp lệnh năm 2000. Theo đó, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng được quy định bằng danh mục bí mật nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của luật này, thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế và các lĩnh vực khác mà Nhà nước chưa công bố, nếu bị lộ, mất sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán bí mật nhà nước hoặc thu thập, lưu giữ, chuyển giao, tiêu hủy bí mật nhà nước trái pháp luật.
2. Lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân.
3. Soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước trên máy tính, mạng nội bộ, mạng diện rộng có kết nối với mạng Internet; sử dụng phương tiện, thiết bị có tính năng sao, chụp, lưu giữ bí mật nhà nước kết nối với máy tính, mạng nội bộ và mạng diện rộng có kết nối mạng Internet.
4. Sử dụng micro vô tuyến, điện thoại di động, thiết bị thu phát tín hiệu, thiết bị có tính năng ghi âm, ghi hình để ghi âm, ghi hình trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có nội dung bí mật nhà nước khi chưa được người chủ trì cuộc họp, hội nghị, hội thảo cho phép.
5. Đăng tải bí mật nhà nước trên báo chí, ấn phẩm xuất bản công khai; trên các website, mạng xã hội và các hình thức tương tự trên Internet.
Phạm vi bí mật nhà nước
Những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích của quốc gia, dân tộc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, theo dự thảo bao gồm:
1. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chủ trương, kế hoạch, phương án phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên, đối phó với chiến tranh.
2. Các chương trình nghiên cứu, sản xuất, phát triển, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị an ninh, quốc phòng phục vụ bảo vệ Tổ quốc.
3. Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ.
4. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối nội, đối ngoại và các vấn đề phải giữ bí mật theo cam kết với nước ngoài.
5. Các vấn đề liên quan đến các quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế và xã hội của đất nước chưa công bố.
6. Các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia.
7. Các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu.
8. Các chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội; y tế; giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông và các lĩnh vực khác chưa công bố.
Cấp độ mật
Bí mật nhà nước được phân loại thành 3 cấp độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.
Thẩm quyền quyết định phạm vi bí mật nhà nước
Cơ quan soạn thảo đã đưa ra 2 phương án để xin ý kiến. Phương án 1: Thủ tướng quyết định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trên cơ sở thẩm định của Bộ Công an.
Bộ trưởng Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước độ Mật sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Quốc phòng lập danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật thuộc lĩnh vực quốc phòng trình Thủ tướng quyết định và ban hành danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong lĩnh vực quốc phòng.
Phương án 2: Bộ trưởng Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước trên cơ sở thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương. Bộ trưởng Quốc phòng quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội.
2. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và Trưởng các ban của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hà Phương