Phiên bế mạc kỳ họp QH sáng nay không diễn ra "nghi lễ" như nhiều kỳ họp trước mà trở nên sôi nổi khi đến phần thông qua dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng.
Có hiệu lực từ tháng 6/2006, Luật phòng chống tham nhũng được Chính phủ đề nghị QH sửa đổi điều 73 về cho phép thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu; điều 74 về chức năng giám sát của các cơ quan đối với việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng. Thực tế, tại 26 tỉnh thành đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Không tán thành với dự luật này, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng không nên lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở hệ thống cơ quan hành pháp, vì sẽ vừa đá bóng, vừa thổi còi. Để đảm bảo tính độc lập của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, bà Loan đề nghị ban này không thuộc Chính phủ, cũng không có ở cấp tỉnh mà theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng.
Đại biểu Trần Văn Kiệt lại nhìn từ góc độ kinh tế, khi ban soạn thảo chưa tính toán tới khoản kinh phí bỏ ra để "nuôi" các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương. "Sẽ tốn thêm bao nhiêu tiền, bao nhiêu ôtô? Singapore không có cơ quan phòng chống tham nhũng, nhưng họ làm vẫn tốt. Mình có nhiều cơ quan, nhưng vẫn có tham nhũng. Vậy lý do là gì", ông Kiệt đặt vấn đề.
Ông Kiệt lại tự lý giải, nguyên nhân là địa phương chưa thực hiện nghiêm túc luật phòng chống tham nhũng. "Nếu đặt vấn đề nơi nào có tham nhũng và có khả năng xảy ra tham nhũng thì mới được phép thành lập ban chỉ đạo thì tôi tin chắc sẽ không dám tỉnh thành nào dám thành lập", ông Kiệt nói và cuối cùng đề nghị lùi thời hạn thông qua dự luật để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.
Nhiều đại biểu cũng không nhất trí với việc giao cho chủ tịch UBND tỉnh thành đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở cấp tỉnh, vì như thế sẽ vừa đá bóng, vừa thổi còi. Nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan của cơ quan này, nhiều nhà làm luật đề nghị nên giao cho chủ tịch HĐND tỉnh.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu giải thích, ban chỉ đạo vẫn đảm bảo tính độc lập vì gồm cả đại diện Mặt trận, các đoàn thể, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân... Riêng về việc giao cho chủ tịch UBDN tỉnh, ông Lưu lý giải: "Luật phòng chống tham nhũng, tinh thần phòng là chính. Phòng chính bằng cơ chế, chính sách. Vì vậy nếu giao cho chủ tịch UBND tỉnh thì sẽ có điều kiện thực thi chính sách thuận lợi hơn".
Dường như cách giải thích của Phó chủ tịch Lưu chưa thuyết phục, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phải lên tiếng. Ông kể lại quá trình QH khóa 11 bàn thảo rất kỹ về việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở cấp nào. Lúc đó ở cấp tỉnh đã có ban chỉ đạo, nhưng hiệu quả kém. Sau khi thông qua luật (tháng 11/2005), từ thực tế và căn cứ vào đề xuất của địa phương, Hội nghị trung ương 3 đã có chủ trương thành lập ban chỉ đạo ở cấp tỉnh.
"Chính phủ đã nhiều lần đề nghị Thường vụ QH khóa 11 ra nghị quyết về vấn đề này, nhưng thấy rằng cần xin ý kiến QH. Quyền quyết định cuối cùng vẫn là QH", ông Trọng chốt lại.
Cuối cùng, các đại biểu đã bấm nút thông qua dự luật, nhưng tỷ lệ tán thành thấp, chỉ chiếm 68% (337 đại biểu). Số không tán thành tới 100 đại biểu và 33 người không biểu quyết.
Trước khi khép lại kỳ họp thứ nhất QH khóa 11, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết rút ngắn nhiệm kỳ QH khóa 12 xuống còn 4 năm thay vì 5 năm như trước đây; thông qua nghị quyết quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005.
Hồng Khánh