Tôi 28 tuổi, chưa lập gia đình, nhà có 3 chị em và rất nghèo, hiện tại tôi mới nghỉ việc nên đang thất nghiệp. Từ nhỏ tôi cảm thấy mình nhút nhát, nhưng 12 năm học phổ thông tôi lại là người rất năng nổ trong học tập và đạt thành tích rất cao. Tôi rất thích phát biểu trước lớp và mọi người, đọc bài to và rõ, không hề bị run. Từ khi lên đại học, tôi như biến thành người khác, bị bệnh khi nói là hụt hơi, hay bị hồi hộp, đỏ mặt, không thể giao tiếp bình thường được. Nếu bị ai nhìn là tôi không thể viết được. Tôi cũng không thể cãi nhau với ai vì rất dễ xúc động. Tôi không dám phát biểu trước lớp, cực sợ những buổi thuyết trình. Vì thế lực học của tôi sa sút nghiêm trọng, bị bạn bè xa lánh.
Sau khi tốt nghiệp tôi lận đận trong chuyện đi xin việc, mỗi lần đi phỏng vấn là tim tôi chỉ muốn nhảy khỏi lồng ngực, không thể kiểm soát nổi cơn run tột độ. Sau hơn một năm, tôi cũng xin được việc. Tôi được mọi người đánh giá là thông minh, xử lý công việc rất nhanh, việc gì cũng hoàn thành tốt. Ngoại trừ những lần đi họp, người tôi run bắn lên, đỏ mặt, mồ hôi ra, tôi không thể phát biểu. Sau những lần đó, tôi chỉ muốn nhảy lầu tự tử cho xong. Tôi được đánh giá rất cao về chuyên môn nhưng việc nói của tôi quá khó khăn nên không thể lên được vị trí quản lý. Tôi đã bị vụt rất nhiều cơ hội thăng tiến và có công việc tốt.
Nhiều khi đọc bài của các bạn thấy 25 tuổi, 27 tuổi đã có công việc với mức lương 20 triệu, 30 triệu, 50 triệu mà tôi càng chạnh lòng. Tôi đi khám khắp nơi từ Bắc vô Nam, bác sĩ kết luận tôi bị ám ảnh sợ xã hội, có nơi thì bảo tôi bị rối loạn thần kinh thực vật. 2 năm uống đủ thể loại thuốc tôi cũng không thấy đỡ, ngược lại thuốc làm tôi thấy trong người mệt mỏi, trí nhớ suy giảm trầm trọng. Tôi đi tập gym, tập thể dục cũng không cải thiện được. Tôi đã làm mọi cách mà không thể khắc phục. Tôi muốn được đi học thêm, kinh doanh buôn bán, đi thi các chương trình trên truyền hình, muốn được nói như bao người khác... nhưng tôi không làm được.
Từ thời đi học tôi học rất giỏi và ngoan, đại học cũng là trường danh tiếng nên xung quanh hàng xóm láng giềng đều lấy tôi làm gương. Nhưng giờ điều đó lại làm tôi thấy áp lực, tôi về nhà không dám nhìn mặt ai. Tôi phải làm sao đây, đã 28 tuổi, đến giờ vẫn không thể ổn định công việc và có một cuộc sống bình thường. Nhiều khi tôi chỉ muốn chết cho xong, đêm nằm không ngủ được, suy nghĩ rất nhiều, thấy mình bất tài, vô dụng, tôi không thể lạc quan lên và thoát được nổi ám ảnh đó. Mong mọi người và chuyên gia giúp đỡ.
Linh
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:
Chào bạn Linh,
Tôi không phải là nhà trị liệu, nên sẽ khó tư vấn cho tình trạng của bạn. Qua những gì bạn chia sẻ tôi thấy bạn có nhiều điều mâu thuẫn, bởi 12 năm học bạn rất năng nổ, không hề nhút nhát mà giờ lại như vậy, tức là đã có biến cố gì lớn xảy ra trong đời khiến bạn sợ hãi, dẫn tới vấn đề rối loạn. Bạn thử nhớ lại xem đã có biến cố gì xảy ra như: bị người yêu bỏ, bị chê bai chỉ trích, thất bại trong chuyện gì đó trước đám đông, bị bệnh nan y...
Bạn có chia sẻ từ khi lên đại học, bạn bị bệnh khi nói là hụt hơi, hay bị hồi hộp, đỏ mặt, không thể giao tiếp bình thường được. Vậy có phải khi rơi vào tình trạng nói hụt hơi bạn cảm thấy mất tự tin đến độ rối loạn cảm xúc và hành vi luôn không? Tình trạng của bạn có dấu hiệu bệnh lý, vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn quá lớn. Theo trang Sức khỏe tâm lý, là khi bạn có những dấu hiệu: sự căng thẳng luôn luôn, không có lý do; Cường độ và thời gian kéo dài; Làm mất cân bằng thể chất với các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật; Cuộc sống mất cân bằng và thay đổi: công việc, học tập, các mối quan hệ...
Theo Freud, lo âu ở người trưởng thành do hai tuyến bắt nguồn từ thời niên thiếu là: Bị phạt quá khắc nghiệt; Được bao bọc quá mức.
Trong tâm lý có bệnh rối loạn lo âu, là có nỗi sợ đám đông, hay hoảng hốt, lo lắng một cách vô lý. Những công việc bình thường hàng ngày thôi nhưng làm người bệnh lo lắng một cách thái quá, suy nghĩ liên tục, chẳng hạn: mình đã tắt ga chưa, khóa cửa chưa... Nếu bị tình trạng này kéo dài hơn 6 tháng thì người đó bị rối loạn lo âu.
Triệu chứng lâm sàng – Cơn lo âu điển hình:
- Xuất hiện đột ngột, thường về đêm (nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào)
- Lo âu lan tỏa, không đối tượng: cảm giác nguy hiểm sắp xảy ra.
- Rối loạn thần kinh thực vật đi kèm vã mồ hôi, nhợt nhạt, trống ngực, nhịp tim nhanh, run, buồn nôn, nôn.
- Các triệu chứng cơ thể rõ rệt: đau thắt ngực, nghẹt thở, chóng mặt.
- Cơn kết thúc đột ngột sau vài phút, thậm chí vài giờ, đôi khi có đái vãi hoặc tiêu chảy.
- Có thể có một cơn hoặc các cơn tiếp theo nhau.
- Bệnh nhân thừa nhận tính chất phi lý
- Biểu hiện tim mạch: tim không ổn định, suy thần kinh tuần hoàn...
- Biểu hiện hô hấp: rối loạn nhịp thở kiểu hen, cơn ho thần kinh...
- Biểu hiện tiêu hóa: đau thượng vị, co thắt thực quản dạ dày, ruột, viêm đại tràng co thắt, cơn đau quặn, mót rặn, cơn nấc, đói hoặc khát cực độ.
- Biểu hiện tiết niệu - sinh dục: đau vùng hố chậu, rối loạn tiểu tiện, ức chế tình dục, rối loạn cương, lãnh cảm...
- Biểu hiện thần kinh giác quan, cơ: đau đầu đau lưng, run, ngứa, có tiếng khó chịu trong tai, cơn chóng mặt.
- Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, dễ thức giấc, ác mộng.
- Mệt mỏi: đôi khi gần như kiệt sức.
Bạn đang có những biểu hiện đó không? Nếu có bạn nên đến gặp bác sĩ tâm lý và cả bác sĩ tâm thần kinh để được thăm khám và chữa trị.
Hiện tại bạn có thể thử dùng các phương pháp luyện thở, khí công hay tập ngồi thiền, yoga thử xem. Bạn có điểu chỉnh lại được hơi thở và giữ sự cân bằng, bình tĩnh được không nhé.
Chúc bạn nhanh khỏe mạnh.
Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.