Chẩn đoán hình ảnh thấy khối u gan trái còn xâm lấn ống mật chủ, ống gan chung. Cụ ông nhập Bệnh viện Gia An 115 trong tình trạng lừ đừ, sốt lạnh run từng cơn, vàng mắt, vàng da, ngứa ngáy, tổng trạng suy kiệt nặng, phù. Nồng độ sắc tố mật của bệnh nhân tăng gấp 20 lần so với bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn, Phó Khoa Ngoại, cho biết bệnh nhân lớn tuổi, lại bị ung thư giai đoạn cuối, thể trạng suy kiệt, tiên lượng nặng nhưng nếu không can thiệp kịp thời, tính mạng sẽ bị đe dọa.
Hơn 4 tháng trước, ông từng bị tắc mật do u gan trái xâm lấn ống mật chủ, được nội soi mật tụy, đặt hai stent kim loại ở đường mật.
Lần này, các bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật phức tạp là đặt hai stent mới trong lòng hai stent cũ. Điều này giúp tái thông đường mật, bảo vệ tính mạng người bệnh. Hai stent mới đã được đặt thành công vào ngày 22/5, tình trạng bệnh nhân ổn định, sắc tố mật giảm nhanh. Bệnh nhân thoát khỏi tình trạng tiền hôn mê gan, giảm vàng da, giảm ngứa, hết phù, không còn sốt.
Theo bác sĩ Toàn, stent kim loại được chỉ định trong những trường hợp ung thư xâm lấn gây tắc mật, ung thư đường mật xâm lấn hoặc ung thư các tạng lân cận xâm lấn, di căn gây chèn ép đường mật. Stent giúp tái lưu thông dịch mật từ gan xuống tá tràng, ngăn ngừa các biến chứng do tắc mật, giúp kéo dài thời gian sống cũng như chất lượng sống.
Lần đặt stent đầu đã gặp nhiều khó khăn là đoạn xâm lấn bị hẹp. "Khi đặt lần thứ hai, khó khăn hơn gấp nhiều lần vì mô u xâm lấn vào lần stent cũ, giai đoạn ung thư tiến xa hơn làm tổng trạng bệnh nhân suy yếu", bác sĩ Toàn phân tích. Nếu chậm trễ xử trí, bệnh nhân suy chức năng gan, rối loạn đông máu, suy chức năng nhiều cơ quan khác.
"Với người bệnh ung thư giai đoạn cuối, chỉ cần người bệnh và người nhà còn hy vọng, các bác sĩ sẽ nỗ lực hết sức để mở thêm những cánh cửa giúp người bệnh sống lâu, chất lượng hơn", bác sĩ Toàn chia sẻ.