Ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội), cho biết từ ngày 8/1, cống lấy nước từ sông Đà đã vận hành toàn bộ, 5 xã đầu tuyến thuộc huyện Ba Vì có thể lấy nước tưới tiêu. 4 xã còn lại sẽ lấy nước trong quý I/2023. Sự kiện này được cả người dân và chính quyền mong mỏi suốt 10 năm qua.
Sông Tích dài 110 km, bắt nguồn từ vùng núi Ba Vì, chảy qua các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và hợp lưu với sông Bùi (từ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy về) tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, sau đó nhập vào sông Đáy tại ngã ba Ba Thá, huyện Chương Mỹ.
Nhiều năm qua, do việc xây dựng một số hồ chứa cùng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp và tác động của biến đổi khí hậu, nguồn sinh thủy của sông Tích trở nên cạn kiệt, đặc biệt vào mùa khô. Nhiều đoạn đã trở thành sông chết, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của 8 huyện phía tây, tây nam Hà Nội.
Năm 2010, dự án tiếp nước, khôi phục sông Tích được TP Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Mục tiêu là cấp nước tưới cho 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; cải tạo môi trường sinh thái; từng bước chuyển đổi mục đích sử dụng hồ Đồng Mô và các hồ thuộc Ba Vì, Sơn Tây sang các hoạt động văn hóa du lịch...
Những hạng mục chính của dự án gồm: Cống lấy nước, kênh dẫn tại Lương Phú, xã Thuần Mỹ, để lấy nước từ sông Đà với lưu lượng 60 m3/s vào sông Tích; nạo vét, cải tạo lòng sông với tổng chiều dài 110,5 km; nắn chỉnh cục bộ tuyến sông, điều chỉnh kích thước, mặt cắt sông phù hợp với địa hình và lưu lượng thiết kế; cải tạo, xây dựng mới đồng bộ công trình giao thông, thủy lợi trên sông...
Hiện chủ đầu tư thi công đoạn 1 của giai đoạn 1 (từ cống đầu mối Thuần Mỹ, Ba Vì, đến Cầu Trắng, thị xã Sơn Tây, dài 27,6 km) nhưng tiến độ nhiều lần bị điều chỉnh. Quyết định phê duyệt ban đầu tiến độ giai đoạn 1 từ 2010 đến 2013; quyết định điều chỉnh phân kỳ đầu tư đoạn 1 giai đoạn 1 từ 2011 đến 2020. Mốc thời gian hoàn thành sau đó lùi đến năm 2022 và gần đây nhất thành phố cam kết hoàn thành toàn bộ đoạn 1, giai đoạn 1 trong năm 2023.
Giám đốc Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp nông thôn cho hay, dự án được phê duyệt năm 2010, khởi công tháng 5/2011, nhưng đến năm 2014 chủ đầu tư mới được huyện Ba Vì bàn giao một phần mặt bằng để thi công. Việc giải phóng mặt bằng sau đó gặp nhiều khó khăn do khối lượng thu hồi lớn (hơn 300 ha), nguồn gốc đất phức tạp, nhiều người dân mua bán chuyển đổi đất không qua chính quyền địa phương...
Dự án có 27 km đi qua 9 xã thuộc huyện Ba Vì. Ông Phùng Hữu Lộc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, nói địa bàn có khoảng 7.000 tổ chức cá nhân (diện tích 302,7 ha) phải giải phóng mặt bằng từ năm 2011 đến nay. Đến tháng 1/2023, còn 8 hộ với 1,2 ha chưa giải phóng mặt bằng. Chính quyền đang tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách đền bù và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Là người có đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng, ông Nghiêm Xuân Tiếp, xã Tiên Phong (Ba Vì), cho biết trước đây sông Tích nhỏ, nước không đủ sản xuất nông nghiệp. Dự án cải tạo khôi phục sông Tích hoàn thành sẽ điều tiết nước không bị thiếu mùa hạn và giúp nhân dân trong vùng tránh được lũ lụt trong mùa mưa. Do đó, dù bị thu hồi 280 m2 đất, "tôi vui vẻ vì việc xây dựng dự án đóng góp cho sự phát triển chung".
Sau khi hoàn thành đoạn 1 giai đoạn 1 của dự án, thành phố sẽ báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện giai đoạn 2. Cùng với mục tiêu đưa nước sông Đà vào sông Tích, Hà Nội lên kế hoạch đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ qua trạm bơm Liên Mạc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết.
Võ Hải