Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn báo cáo với Thủ tướng về phương án xử lý gói cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội, trong trường hợp chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng vào ngày 1/6 tới.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay, mua, sửa nhà được hưởng lãi suất ưu đãi đến khi hết gói 30.000 tỷ đồng. Văn bản này không đề cập tới việc tiếp tục ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư - đối tượng cung cấp nhà ở cho gói tín dụng này.
Trước đó, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng vì thông tin các khoản tiền giải ngân sau ngày 1/6 (dù vẫn trong gói 30.000 tỷ hỗ trợ mua nhà ở xã hội của Chính phủ) sẽ phải chịu lãi suất thương mại thông thường thay vì ưu đãi 5%. Lãi suất thương mại có thể cao gấp đôi và khiến nhiều người rơi vào bẫy lãi suất, không có khả năng chi trả.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến 10/3, các nhà băng đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng. Như vậy, đến nay gói 30.000 tỷ mới "tiêu thụ" được hơn 71% hạn mức được cấp.
Sau khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đề xuất gia hạn gói 30.000 tỷ, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục giải ngân gói tín dụng này. Cơ quan này nhận định đến cuối tháng 5 mới giải ngân hết 85% gói hỗ trợ.
Cách đây 2 ngày, tại Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc cũng nêu kiến nghị này nhằm đảm bảo những người có thu nhập thấp vay theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ được lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống.
Gói 30.000 tỷ được đưa ra vào đầu năm 2013, giữa lúc thị trường bất động sản đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ giữa năm 2011. Tuy nhiên, sau 3 năm, gói tín dụng này liên tục phải điều chỉnh từ điều kiện, đối tượng vay vốn, lãi suất cho đến các thủ tục xác nhận...
Thanh Thanh Lan