Ông Nguyễn Văn Dành đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về quản lý thị trường vàng và giải pháp cụ thể huy động nguồn vốn này.
Trả lời ông Dành, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu lại quan điểm nhất quán của Chính phủ là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; củng cố niềm tin người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng thay vì nắm giữ vàng, ngoại tệ. Và chỉ đạo chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã đi theo hướng này.
Ông cho hay, lượng tiền gửi VND khu vực dân cư tăng mạnh 3 năm qua, trong khi tiền gửi ngoại tệ giảm. Nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hoá sang đồng Việt Nam, minh chứng là dự trữ ngoại hối tăng mạnh và một phần trong số này đến từ việc chuyển hoá ngoại tệ từ nguồn lực trong dân.
"Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã không tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng, thị trường vàng ổn định và không gây bất ổn vĩ mô. Điều này cho thấy những bước đi của Ngân hàng Nhà nước là đúng hướng, thời gian tới chúng tôi kiên định các giải pháp này", ông Hưng khẳng định.
Đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đặt vấn đề về kiểm soát tín dụng cho vay các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, trong đó cho vay các dự án BT, BOT. "Tỷ lệ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro hiện nay ra sao. Thống đốc có giải pháp gì xử lý sở hữu chéo tại các ngân hàng", ông Dành chất vấn.
Trả lời, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, hiện các tỷ lệ này "được kiểm soát chặt chẽ". Tới hết tháng 8/2018, dư nợ tín dụng kinh doanh tín dụng bất động sản tăng 5,2% so với cuối năm 2017, thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành. Tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 7,4%.
Dư nợ tín dụng vào các dự án BT, BOT tăng 6,5% so với 2017, chiếm tỷ trọng 1,6% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi cùng kỳ năm 2017 các tỷ lệ này lần lượt là 9% và 1,57%.
Tiền rót vào thị trường chứng khoán tăng 1,7% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 0,36% tổng dư nợ.
Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, cơ quan quản lý tiền tệ đã "nhất quán kiểm soát chặt tín dụng tiềm ẩn rủi ro bằng ban hành văn bản pháp luật, tăng hệ số tỷ lệ an toàn vốn trong cho vay bất động sản. Cùng đó, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro. "Tỷ trọng, tốc độ tăng tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro này được kiểm soát chặt chẽ", ông nhấn mạnh.
Tỷ lệ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đã giảm đáng kể dù chưa dứt điểm.
Sau 6 năm, hiện số cặp sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm, từ 56 cặp cách đây 6 năm xuống còn 2. Và tỷ lệ cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn 1 ngân hàng, so với con số 19 nhà băng cách đây 6 năm.
"Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau, nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào tìm đối tác và thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn Nhà nước", ông nói.
Theo đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, trong đó từng nhà băng sẽ xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại, Thống đốc Lê Minh Hưng hứa, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng sẽ được xử lý dứt điểm.
Anh Minh