Dù bất ngờ bị chi phối bởi câu chuyện bắt giữ bầu Kiên, nhưng trọng tâm của buổi chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình chiều 21/8 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tập trung vào chủ đề hệ trọng của ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay - giải quyết nợ xấu. Theo đó, câu trả lời được chờ đợi nhất nằm ở con số nợ xấu “chính thức” của các ngân hàng, cùng với đó là những giải pháp được cơ quan quản lý đề ra và cam kết thực hiện.
![]() |
Thống đốc Nguyễn Văn Bình xác nhận nợ xấu ngân hàng đến hết 30/6 là 8,6%. Ảnh: Nhật Minh |
Sở dĩ câu hỏi về một số liệu chính thức được đặt ra cho người đứng đầu ngân hàng Nhà nước là bởi trong những thông báo trước đó của cơ quan này, các con số có phần “đá nhau”. Theo số liệu tổng hợp từ các nhà băng, nợ xấu của hệ thống là hơn 117.700 tỷ (khoảng 4,47% dự nợ), trong khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại thông báo con số 202.000 tỷ đồng (tương đương 8,6%). Phát biểu tại Quốc hội hồi tháng 3, bản thân Thống đốc Bình còn khẳng định nợ xấu toàn ngành khoảng 10%.
Tại báo cáo giải trình gửi Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, Thống đốc thừa nhận nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2008 tới nay. Ông cũng cho biết nguyên nhân dẫn tới những con số khác nhau về nợ xấu là tình trạng phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, còn phải nhắc đến việc một số ngân hàng điều hành tín dụng bất cập, năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong một thời gian dài còn hạn chế, để nợ xấu tăng cao.
Tuy nhiên, phần trả lời này dường như chưa làm thỏa mãn các đại biểu khi trong 28 câu hỏi được đặt ra tại buổi làm việc, có rất nhiều ý kiến yêu cầu Thống đốc làm rõ những con số này. Với thái độ cầu thị, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định số liệu do cơ quan Thanh tra đưa ra 8,6% là đáng tin cậy và cũng được hầu hết các tổ chức quốc tế làm việc với Ngân hàng Nhà nước thừa nhận. Tuy nhiên, con số này chỉ đúng đến 31/6/2012.
Theo Thống đốc Bình, tại một thời điểm, Ngân hàng Nhà nước không thể ngay lập tức biết được con số nợ xấu chính xác là bao nhiêu, do cần thời gian kiểm tra, rà soát. Do vậy, số liệu trong nhiều trường hợp chủ yếu phụ thuộc vào báo cáo của các ngân hàng. Trong khi đó, kết quả thanh tra 9 tổ chức tín dụng yếu kém vừa qua cho thấy con số nợ xấu tại các nhà băng này là rất đáng ngại. "Theo báo cáo của bản thân các tổ chức tín dụng, nợ xấu của họ đều không quá 2,5% và đều có lãi. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước thanh tra thì có tổ chức tín dụng nợ xấu lên 30% và thậm chí tới 60%. Có những ngân hàng mất hết cả vốn tự có và vốn điều lệ", Thống đốc khẳng định.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết sau buổi chất vấn, cơ quan này sẽ có tính toán, rà soát lại, nhằm gửi đến các đại biểu số liệu cập nhật hơn. Tuy nhiên, theo đại biểu Đồng Hữu Mạo, điều này là chưa đủ bởi những con số nêu trên cho thấy báo cáo từ các tổ chức tín dụng là “rất không đáng tin cậy”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình một lần nữa phải cam kết kỷ luật báo cáo sẽ tiếp tục được thắt chặt khi các tổ chức tín dụng thực hiện đề án tái cơ cấu.
Một ý kiến khác của đại biểu Phùng Văn Hùng (thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) lo ngại các ngân hàng thương mại Nhà nước hiện cũng rơi vào tình trạng “kém hiệu quả, thất thoát nhiều” như các doanh nghiệp quốc doanh. Đại biểu này cũng dẫn chứng một số báo cáo cho thấy nợ xấu của ngân hàng thương mại nhà nước hiện gấp đôi khu vực cổ phần.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, theo số liệu báo cáo, tính đến 30/6, nợ xấu của các ngân hàng quốc doanh là 3,76%, trong khi khối cổ phần là 4,73%. Người đứng đầu ngành ngân hàng do đó nhận định tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại Nhà nước do đó không “bi đát” như nhận định của đại biểu.
![]() |
Nợ xấu theo báo cáo của 5 ngân hàng thương mại Nhà nước tính đến 30/6. |
Ông cũng chứng tỏ sự minh bạch khi công bố chi tiết nợ xấu của 5 ngân hàng quốc doanh lớn là Công thương (Vietinbank), Nông nghiệp (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Đầu tư & Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB). Theo đó, “quán quân” nợ xấu là Agribank với 6,14%, trong khi tỷ lệ thấp nhất (2,45%) thuộc về Vietinbank.
Đánh giá chung về tình hình nợ xấu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng tình trạng của của Việt Nam chưa đến mức "hốt hoảng" và "quá nguy kịch" nếu so với các nước trong khu vực ở thời điểm họ đứng ra xử lý nợ xấu. "Các tổ chức tín dụng đã trích lập 70.000 tỷ để dự phòng rủi ro tín dụng. 84% các khoản nợ của hệ thống đều có tài sản đảm bảo (giá trị 135% giá trị các khoản nợ)", ông Bình thông tin.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của đại biểu đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về trách nhiệm của cơ quan quản lý và cá nhân Thống đốc, ông Bình cũng thừa nhận đây là một phần nguyên nhân khiến nợ xấu tăng cao. "Tôi xin nhận trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước cũng như với tư cách là Thống đốc hiện nay”, ông nói.
Ngay trước giờ giải lao của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị có câu hỏi dành cho Thống đốc. Chủ tịch hỏi trực diện về thời điểm giải quyết xong "cục máu đông" nợ xấu. "Tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu nợ và tình hình nợ xấu thì ai cũng biết rồi. Với quyết tâm chính trị của Thống đốc, từ nay đến cuối năm 31/12 hoặc có thể sang 30/6 năm sau, liệu nợ xấu có giảm không và giảm xuống cỡ bao nhiêu", ông Nguyễn Sinh Hùng hỏi.
Trước câu hỏi này, nhiều đại biểu có mặt tại nghị trường tỏ ra khá thích thú và cho rằng đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Bản thân ông Bình trong phần trả lời sau đó cũng thừa nhận đây là một “câu hỏi lớn, tầm cỡ”, do đó cần đặt trong bối cảnh các mục tiêu vĩ mô chung. Theo đó, việc giảm nợ xấu về dưới ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế (3%) cũng cần xem là một mục tiêu. “Tôi tin rằng sắp tới, tình hình sẽ được cải thiện. Đến cuối nhiệm kỳ này, nợ xấu của các ngân hàng sẽ được đưa về theo chuẩn”, ông Bình cam kết.
![]() |
Câu trả lời về thời hạn giảm nợ xấu của Thống đốc chưa thuyết phục các đại biểu. Ảnh: Nhật Minh |
Tại phiên họp này, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về việc các ngân hàng lách “trần” lãi suất cho vay sau khi có hiệu triệu của Ngân hàng Nhà nước về việc đưa lãi suất cho vay về 15% một năm. Đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt vấn đề: “Việc phân loại khách hàng cho vay khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp phải gửi lại ngân hàng một phần ba phần được vay dưới hình thức tiết kiệm lãi suất 9% một năm. Như vậy họ phải trả lãi 18% một năm. Đây là hợp đồng dân sự và không vi phạm Luật nhưng bản chất vẫn là lách luật. Thống đốc có biết không việc này không và Có giải pháp gì để kiểm tra”?
Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng nếu có thì đây không phải là hiện tượng phổ biến bởi các ngân hàng đang thiết tha cho vay vì họ cũng là doanh nghiệp. Do vậy họ bằng mọi cách bán được hàng, thậm chí là phải giảm giá. Thống đốc đề nghị Đại biểu Huỳnh Nghĩa nếu có trường hợp như vậy sẽ bố trí ngay một ngân hàng khác sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp đó tốt. Tuy nhiên, ông bình lo ngại có sự thông đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong trường hợp này. “Do khoản vay dưới chuẩn nên hai bên thông đồng với nhau. Nếu có, đề nghị đại biểu thông tin để tôi có điều kiện chấn chỉnh”, ông Bình nói.
Câu chuyện ngân hàng “ăn dày” lãi suất cũng được các đại biểu đề cập. Người đứng đầu toàn ngành ngân hàng thừa nhận việc đó có thể chỉ có trong quá khứ còn từ năm 2008 và đặc biệt đến năm nay không còn như vậy. Theo Thống đốc, với lãi suất huy động 9%, các ngân hàng phải cho vay 13%, thậm chí hơn 14% mới hòa vốn. Ông Nguyễn Văn Bình giải thích: “Với 100 đồng huy động, ngân hàng phải đưa vào dự trữ bắt buộc mất 3 đồng, 10 đồng cho dự trữ thanh toán. Nếu đem cho vay, họ phải đưa 0,75 đồng nữa để đưa vào trích lập dự phòng rủi ro chung. Cộng thêm trích lập dự phòng nợ xấu, tính tất cả, chi phí này phải mất 13%. Chưa kể chi phí điều hành như thuê cán bộ, trang thiết bị..., chi phí này chiếm từ 1-1,5% nữa. Như vậy điểm hòa vốn lên xấp xỉ trên 14%”.
Nhật Minh - Thanh Lan