Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013 tổ chức tại TP HCM sáng 19/6, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hệ số sử dụng vốn của các nhà băng đã cải thiện đáng kể. Nếu quý IV/2011, hệ số sử dụng vốn là 120%, qua 2012 dưới 98%, còn đến thời điểm này dưới 92%.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn dài chỉ quanh 8-8,5%, còn các kỳ hạn ngắn dưới trần quy định, thậm chí lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng duy trì ổn định 5-6% mỗi năm, gần nửa năm nay.
Theo ông Bình, căn cứ vào tình hình thanh khoản hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có điều kiện để dỡ bỏ trần lãi suất huy động vì sẽ không sợ tình trạng đua lãi suất. Việc giảm mặt bằng lãi suất hiện nay đã tác động tích cực tới thanh khoản nên các nhà băng sẽ không cạnh tranh nhau đưa lãi suất lên cao hơn.
Tuy nhiên, Thống đốc cho biết vẫn chưa thực hiện việc dỡ bỏ trần lãi suất, hay đúng hơn là sẽ không dỡ bỏ trần thời điểm này vì mục đích chính của trần lãi suất hiện nay vẫn mang tính định hướng cho các ngân hàng thương mại.
"Với mức trần hiện nay, các ngân hàng có uy tín thì có thể hạ dưới trần để tiếp cận lãi suất rẻ hơn, còn với những nhà băng uy tín chưa cao thì tiếp cận vốn với lãi suất cao hơn nhưng cũng không thể vượt trần. Các nhà băng cũng đồng tình với chính sách duy trì trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước", ông Bình nói.
Theo Thống đốc, ngành ngân hàng thời gian qua đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn chưa thực sự ổn định và vững chắc. Hệ số sử dụng vốn tuy giảm nhưng vẫn còn cao, thời gian tới phấn đấu đưa về dưới 80%. Hơn nữa, trước đây, trần lãi suất được quy định như biện pháp điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, nay chỉ mang tính định hướng, chọn lọc tình hình tài chính đối với ngân hàng.
Bên cạnh việc duy trì trần lãi suất, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước sắp tới vẫn là hạ lãi suất cho vay xuống dưới 13% một năm để doanh nghiệp có thể vay được. Và theo Thống đốc, mức lãi suất có thể coi là hợp lý trong năm nay khoảng 12% với trung dài hạn và 10% cho ngắn hạn. Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho rằng mọi chính sách đều phải có lộ trình và độ trễ nhất định.
Lệ Chi