2- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước". Ban Chấp hành Trung ương nhận định, hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX và các nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, các ngành, các cấp đã tổ chức quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước một cách khá đồng bộ, sâu rộng, đạt được những kết quả quan trọng. Doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại một bước (từ 5.374 doanh nghiệp giảm xuống còn 1.060 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt nhà nước cần nắm giữ; đứng vững và có bước phát triển, góp phần vào thành tựu chung của đất nước; chi phối được những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thế và lực của đất nước.
Ban Chấp hành Trung ương cũng nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong thực hiện các chủ trương của Đảng về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Quá trình cơ cấu lại và đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm; tổ chức triển khai chưa tốt, chỉ đạo thiếu chặt chẽ; một số doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản nhà nước nhưng chậm được phát hiện, xử lý. Vai trò công nhân tham gia cổ phần hoá trong các doanh nghiệp nhà nước còn mờ nhạt; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được đầu tư, chưa làm tốt vai trò đầu tàu, mở đường, dẫn dắt, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý chủ sở hữu nhà nước còn bất cập. Mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước nhìn chung chưa phù hợp với mô hình tổ chức, quản lý doanh nghiệp. Ban Chấp hành Trung ương đã phân tích, chỉ ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém. Đó là những sai sót, khuyết điểm trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ quản trị các tập đoàn, tổng công ty; trong phân cấp cơ quan quản lý và công tác kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp.
Ban Chấp hành Trung ương cho rằng, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, giữ vững vai trò nòng cốt, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Phải khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, bao gồm : công nghiệp quốc phòng, công nghiệp độc quyền tự nhiên, lĩnh vực cung cấp hàng hoá dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ có sức lan toả cao. Chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước vào năm 2015. Khẩn trương bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện nghiêm chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch. Kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước; xem xét chuyển một số tập đoàn kinh tế nhà nước thành tổng công ty. Đồng thời, với việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, phải tăng cường vai trò và sự giám sát, kiểm tra của đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhất là trong việc phê duyệt điều lệ, quyết định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt các doanh nghiệp. Nghiên cứu hình thành cơ quan nhà nước thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công, phối hợp trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Kết luận về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
3- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tiếp tục khẳng định những kết quả quan trọng, chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX; nhấn mạnh, lưu ý các hạn chế, thiếu sót cần quan tâm giải quyết.
Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt; là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, là nguồn sống của nhân dân. Quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rộng lớn, phức tạp, hệ trọng, liên quan đến việc giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo và tích cực triển khai các định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI gắn với việc xem xét, đánh giá những vấn đề mới trong lĩnh vực công tác này. Định hướng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai tập trung cho các vấn đề : quy hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao quyền sử dụng đất; về phát triển thị trường bất động sản; về chính sách tài chính về đất đai; về giá đất...
Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
4- Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và Đề án "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Ban Chấp hành Trung ương nhận định : Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cả xã hội, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, nhà khoa học, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về quy mô, chất lượng giáo dục các cấp; công tác quản lý; đội ngũ nhà giáo; công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; tiềm lực khoa học và công nghệ; thị trường và các dịch vụ khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế… Bên cạnh đó, hai lĩnh vực này còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và yếu kém. Chất lượng giáo dục và đào tạo nhìn chung còn thấp, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực. Công tác quản lý còn nhiều bất cập. Hoạt động khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ còn nhiều thiếu sót, bất cập. Đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý.
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước, của toàn dân và là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên và đi trước. Mục tiêu cốt lõi của giáo dục và đào tạo là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực con người Việt Nam. Phải đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức và tư duy về giáo dục và đào tạo; về công tác quản lý giáo dục; về nội dung, phương pháp giáo dục; hình thức và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục; cơ chế, chính sách đầu tư tài chính. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân thành hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông phục vụ đổi mới giáo dục. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục. Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, coi đây là khâu đột phá. Xác định nhân lực khoa học công nghệ là nhân tố quyết định đối với phát triển khoa học và công nghệ. Ưu tiên nguồn lực quốc gia, tạo động lực để phát triển khoa học và công nghệ. Chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, hiệu quả. Về mục tiêu tổng quát, Ban Chấp hành Trung ương xác định : Khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tạo chuyển biến về chất trong đóng góp của khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Về mục tiêu cụ thể: đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu; phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí thông qua Nghị quyết "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đối với Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Ban Chấp hành Trung ương cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào một thời điểm thích hợp. Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và các kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2020 và Kết luận của Hội nghị lần này.
>> Xem tiếp
Theo TTXVN