Phan Ngọc Hoan là tên thật của nhà thơ Chế Lan Viên, Lâm Thanh Lang là tên thật của nhà thơ Yến Lan. Họ đều là những nhà thơ nổi tiếng, là bạn của Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử sinh năm 1912 ở Đồng Hới (Quảng Bình), lớn lên ở Quy Nhơn (Bình Định) trong một gia đình theo đạo Công giáo. Từ bé, Hàn Mặc Tử thể trạng ốm yếu, tính hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn văn thơ. Cha ông làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở.
Ông có tài làm thơ từ rất sớm khi mới 16 tuổi. Ban đầu, bút danh của ông là Hàn Mạc Tử, nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm mặt trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật.
"Mặt Trăng khuyết" đã được đặt vào chữ "Mạc" thành ra chữ "Mặc". Hàn Mặc Tử được hiểu là "chàng trai bút nghiên". Ngoài Hàn Mặc Tử, ông còn có bút danh Lệ Thanh, Phong Trần.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ảnh tư liệu.
Năm 1936, Bình Định xuất hiện một nhóm thơ được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" hay còn gọi là nhóm thơ Bình Định. Gần 10 năm tồn tại 1936-1945, nhóm chỉ có bốn thành viên là Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên.
Khoảng thời gian đó, Hàn Mặc Tử biết Yến Lan vừa hoàn thành một tập thơ viết về đề tài chiến tranh, nhan đề Giếng loạn. Tập thơ đã gợi cho Hàn Mặc Tử cái tên của trường phái mà ông định thành lập.
Sau đó, Hàn Mặc Tử lại được Chế Lan Viên tặng tập Điêu tàn (1937). Hàn Mặc Tử nhận thấy trong nhóm thơ tính khuynh hướng thể hiện rất rõ trong sáng tác của từng người nên ông đề xướng việc thành lập "trường thơ loạn".
Thơ của các thi sĩ "trường thơ loạn" tràn ngập trăng, hồn, máu, bóng ma, sọ người, xương cốt, tinh tủy. Tất cả say sưa bước chân vào thế giới rùng rợn đó.
Năm 1938-1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội, rồi được đưa vào trại phong với tình trạng bệnh đã nặng, toàn thân khô cứng. Ông mất năm 1940, mới 28 tuổi.
Tác phẩm chính của Hàn Mặc Tử: Gái quê (thơ, 1936); Thơ điên (thơ, 1938); Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ (kịch thơ, 1939); Quần tiên hội (kịch thơ); Chơi giữa mùa trăng (thơ văn xuôi, 1940). Ngoài tập Gái quê được in lúc sinh thời, những tác phẩm còn lại được in thành tập sau khi ông mất.
Hoài Thanh - Hoài Chân trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942 nói về nỗi đau đớn của Hàn Mặc Tử những ngày cuối đời: "Tôi nghĩ đến người đã sống trong túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che cho mái nhà đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cảnh thể phách lẫn linh hồn tan rã".
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình. Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử".