Bầu Đức làm bóng đá từ năm 2001. HAGL bắt đầu đưa bóng đá Gia Lai lên bản đồ V-League năm 2003 và chu kỳ thành công của họ kết thúc sau mùa 2013 với vị trí thứ ba. Đây là thành tích tốt nhất kể từ lúc đó cho đến tận bây giờ của đội bóng phố núi. Năm 2015, bầu Đức quyết định đưa lứa cầu thủ U19 lên đá V-League và "trói" họ bằng bản hợp đồng chuyên nghiệp đến tận 28 tuổi - tức là năm 2023. Nhưng có vẻ như "thời đến nhanh" hơn cột mốc đó. Những tác động của đại dịch Covid-19 cùng sự trở lại của HLV Kiatisuk tạo cho HAGL cơ hội lớn để đoạt được chức vô địch V-League ngay thời điểm bầu Đức kỷ niệm tròn 20 năm làm bóng đá.
Đối thủ của họ hôm nay, Bình Dương đang trong tiến trình ngược lại. Đội bóng này thăng hạng năm 2005, và kết thúc chu kỳ thành công tròn 10 năm với bốn danh hiệu vô địch V-League, bên cạnh hai lần á quân. Nhưng từ chức vô địch gần nhất năm 2015, chưa lần nào Bình Dương vào lại top 3 cho dù chưa từng thấy họ tuyên bố sẽ ngưng đầu tư cho bóng đá. Nếu thua HAGL chiều nay, chắc chắn Bình Dương sẽ không thể có mặt trong top 6 cuối mùa, nghĩa là thêm một mùa giải thất bại nữa.
Dù sao, HAGL và Bình Dương vẫn còn đang chơi V-League, chứ một cựu vô địch khác là Đồng Tâm Long An đang đá tại giải hạng Nhất, mùa trước còn suýt xuống hạng Nhì. Thời huy hoàng của "Gạch" cũng chỉ khoảng 10 năm, từ 2002 đến 2011, thời điểm họ lần đầu xuống hạng Nhất. Rồi 10 năm qua, cũng có lúc trở lại đá V-League được ba mùa, đội của bầu Thắng vẫn phải xuống hạng Nhất. Ông bầu của đội này nhiều năm qua vẫn tham gia các hoạt động bóng đá, nhưng chủ yếu ở dạng phong trào, nên xem ra chẳng biết khi nào "Gạch" trở lại.
Nếu nhìn vào thực lực của Hà Nội FC hiện nay, sẽ khó nói là họ đang "suy". Nhưng nếu tin rằng, các con số không biết nói dối, cần nghĩ đến khả năng Hà Nội sẽ còn sa sút hơn nữa chứ không đơn thuần là bỏ mùa này làm lại ở mùa tới. Năm 2015, Bình Dương vô địch rất thuyết phục với 16 trận thắng trong tổng số 26 trận toàn mùa, nhưng đến năm 2016, họ rơi xuống thứ 10 và năm kế tiếp là thứ 11. Không thể nói trước được điều gì cả. Có khi trận đấu với Sài Gòn FC hôm nay là "khúc quanh định mệnh" không chừng.
Bởi về lý thuyết, việc thịnh hay suy của một đội bóng, ngoài chuyện mạnh – yếu trong nội bộ, còn liên quan đến các đối thủ của họ. Lúc cực thịnh của Hà Nội FC ở các năm 2016-2019 rơi vào thời điểm mà V-League không có đối trọng đáng kể nào, khi Thanh Hóa hay TP HCM đều không có nền tảng về con người, chủ yếu sử dụng cầu thủ ngoài địa phương. Nhưng đến khi Viettel xuất hiện tại V-League, rồi lứa cầu thủ của HAGL đạt đến giai đoạn thăng hoa của sự nghiệp, thì vấn đề lại khác. Chức vô địch của Viettel năm ngoái là lúc Hà Nội khép lại chu kỳ 10 năm thành công rực rỡ dưới thời bầu Hiển, nếu tính từ chức vô địch V-League đầu tiên năm 2010.
Cho dù có thực sự là "truyền nhân" của Thể Công hay không, Viettel vẫn đang cố gắn kết nối với lịch sử lớn của đội bóng áo lính trước đây. Năm 1998, Thể Công vô địch quốc gia lần cuối cùng với tên gọi khi đó là CLB Quân đội. Đúng 10 năm sau, cái tên Thể Công chính thức không còn. Nhưng thật thú vị là tròn một thập niên sau, Viettel lại vô địch V-League với nhiều con người của Thể Công ngày trước. Nếu chúng ta kết nối Thể Công và Viettel, có thể nói sau thập niên suy tàn, chu kỳ thành công của Viettel mới chỉ bắt đầu. Bởi họ vẫn có truyền thống lẫn yếu tố nền tảng chuyên môn đủ để duy trì sự thống trị. Chu kỳ thành công của HAGL có lẽ cũng đã chính thức khởi động. Cùng một thời điểm có đến hai đối thủ đạt đến giai đoạn thăng hoa, thì về lý thuyết, đã đến thời kỳ mà Hà Nội phải nghĩ đến câu chuyện phía bên kia sườn dốc, để bắt tay vào việc làm lại, chờ chu kỳ mới.
Thực ra ở đâu bóng đá có cũng tính chu kỳ như vậy, nó liên quan đến thế hệ cầu thủ, hay nói đúng hơn là cách xây dựng con người ở bóng đá trẻ. Nhưng tại Việt Nam, 10 năm cho một quá trình thịnh – suy là có vẻ hơi ngắn.
Nguyên nhân của nó cũng chẳng có gì khó hiểu: V-League chưa thể làm ra tiền. Ngoài HAGL, Hà Nội, Bình Dương... vốn được các ông bầu yêu bóng đá hậu thuẫn, rất nhiều đội bóng không thể trụ nổi sau năm năm đầu tư khi chỉ có tiền ra mà không thấy thu được gì. Bền bỉ 10 năm duy trì thành tích đỉnh cao, đã là cố gắng rất ghê gớm của các doanh nghiệp đứng phía sau. Khó mà có thể ráng hơn được nữa khi nguồn doanh thu quan trọng nhất là bản quyền truyền hình chưa và chẳng biết bao giờ mới đến. Với các ông bầu, sau khi đã hoàn thành tham vọng danh hiệu, cái có thể giúp họ duy trì động lực chắc chắn phải là vấn đề kinh doanh, là tiền. Thế nên, có thể Hà Nội vẫn đang có lực lượng tốt, nhưng làm sao biết được là ông bầu của họ có còn thích thú gì đến việc đầu tư bóng đá hay không.
Không nói đâu xa, "vất vưởng" mãi như SLNA rồi có vẻ như đã đến lúc "buông tay" khi cái chu kỳ 10 năm đang vung vẫy lưới hái trên đầu họ. Đội bóng mang tên Sông Lam Nghệ An chính thức năm 1991, đá trên hạng cao nhất từ đó đến nay và chưa từng rớt hạng. Năm 2001, họ là nhà vô địch đầu tiên của V-League, năm 2011 họ giành chức vô địch lần thứ ba trong lịch sử của mình, và đó cũng là lần cuối cùng cho đến nay. Một đội bóng có hệ thống đào tạo tốt, nhưng cơ chế vận hành thì chỉ "bán chuyên", rốt cục cũng chẳng thể tìm đâu ra nguồn tiền mà tồn tại...
Song Việt