Thứ năm, 19/12/2024
Thứ năm, 17/12/2015, 10:44 (GMT+7)

Thời trang của phụ nữ Sài Gòn xưa

Vào đầu thế kỷ 20, y phục chính của phụ nữ đất Sài Gòn là tà áo dài nền nã, kín đáo đi kèm với các món trang sức tinh xảo.

Nhiếp ảnh gia Tam Thái vừa ra mắt quyển sách "Sài Gòn 150 năm hình bóng" (giai đoạn 1863-2013), Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Hàng trăm bức ảnh tư liệu về Sài Gòn xưa và nay được ông cất công truy tầm, chọn lọc và lưu giữ từ rất nhiều nguồn, thêm vào đó là các bức ảnh do chính ông tự chụp TP HCM sau này. Sách giúp cho bạn đọc hình dung được lịch sử một thành phố phương Nam non trẻ bao quát trên nhiều lĩnh vực: đời sống, phong tục tập quán, văn hóa, kiến trúc, kinh tế...

Ở chương bốn, ấn phẩm cung cấp tư liệu, hình ảnh thú vị về cách ăn mặc của người Sài Gòn xưa. Trong ảnh là bức thể hiện bữa cơm gia đình của phụ nữ trung lưu thành thị 1901. Y phục của phụ nữ không có sự cách biệt, đều là áo dài sẫm đen, may rộng, suông đuột không eo, cổ trệt hoặc đứng. Lúc này mọi người chưa quen là ủi trang phục. Hầu hết thích đeo vòng cổ bằng bạc, nhưng không thấy ai đeo khoen tai. Tóc búi sau cổ.

Các phụ nữ vùng nông thôn của Sài Gòn xưa mặc áo dài trong bữa cơm gia đình. 

Bức ảnh miêu tả các phụ nữ đang chơi bài (năm 1910). Hai người bên phải mặc váy, chiếc váy nâu sậm phủ ra ngoài áo. Trên sập gỗ có hai ống nhổ, phụ nữ xưa quen ăn trầu. Giữa là chiếc hộp tròn sắt Tây.

Y phục chưng diện của phụ nữ năm 1908. Vòng cổ là nhiều xâu hạt cườm nhỏ. Đôi hài trăm năm trước không khác với bây giờ.

Năm 1908, phụ nữ cũng mang guốc gỗ có đế nhỏ, dáng đáy thuyền. Bức ảnh trên và bức ảnh này người chụp đều tạo dáng trong salon (tiệm ảnh ngày xưa). Bên trái có chiếc đôn tạo dáng tinh xảo của lò gốm Sài Gòn ngày xưa. 

Bức ảnh khắc họa người mẹ trẻ ẵm bé gái. Tuổi mẹ chưa đến đôi mươi. Cả hai mẹ con đều đeo vòng cổ. Áo dài đen hoặc màu chàm (nhuộm với lá bàng) là y phục phổ biến của lao động nhà nông. Vua quan phong kiến xưa cấm dân mặc màu nổi. Trăm năm trước, người Việt quen đi chân trần vì lộ đất gập ghềnh. Giày guốc chưa gắn đế, guốc gỗ trơn trợt.

Chân dung phụ nữ được chụp trong tiệm ảnh năm 1920. Người phụ nữ thanh lịch này chính là vợ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Bà tên thật là Trương Thị Sáu, sinh năm 1899. Trong ảnh, bà mặc áo dài vải gấm, tóc búi cách điệu, móng tay sơn giũa, đôi lông mày được cắt tỉa gọn gàng, sắc sảo, thuộc dạng nhà giàu, tân tiến.

Một kiểu áo dài Le Mur (thập niên 1940). Áo có cổ mềm nan hoa, phía trước có nơ. Tay dài, phồng hai bên vai. Khuy nút vải, cài bên hông.

Trang phục của một quý bà thế hệ "tân cổ điển" giai đoạn 1940-1950. Người phụ nữ mặc áo dài chấm gót, tóc mốt phi - dê, mắt đeo kính mát, tay khoác bóp đầm. Phía sau là dãy phố ngồi trệt. Tây - Ta hòa nhập là nét kiến trúc quen thuộc của thời này.

Cho đến thập niên 1960, phụ nữ Sài Gòn ra đường có hai thứ trang phục quen thuộc là áo dài và áo bà ba. Quần dài cũng chỉ hai màu: đen dành cho phụ nữ đã lập gia đình, trắng cho phụ nữ trẻ. Người phụ nữ thường đội nón lá, hoặc chống dù khi đi chơi, dự dạ hội.

Trong ảnh: phụ nữ Sài Gòn mặc áo dài trên đường vào thập niên 1960. Phía trước hai phụ nữ là chiếc xe con bọ Volkswagen đậu ở gara Charner nổi tiếng cùng cây xăng - vị trí này ngày nay là đoạn nằm giữa khách sạn Rex và trụ sở Ủy ban Nhân dân TP HCM trên đường Nguyễn Huệ, quận 1.

Phụ nữ thị thành Sài Gòn trong hai thập kỷ 1950-1960 đi lại với ba phương tiện: xe đạp, xích lô hoặc xe máy (Vélo Solex, Mobyllete).

Ảnh chụp trước 1975. Nữ sinh mặc áo dài quần trắng. Giờ tan trường đường trắng lụa bay. Lác đác đôi chiếc áo đầm là trang phục của học sinh trường Tây.

(Trích sách Sài Gòn 150 năm hình bóng của Tam Thái, NXB Trẻ)