Nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, hôm 12/12. Các chuyên gia đã thực hiện phân tích toàn cầu về 32 triệu ca tử vong do bệnh tim trong hơn 40 năm ở 27 quốc gia, ghi lại nhiệt độ môi trường khi qua đời của người bệnh. Họ phát hiện vào những ngày cực nóng, cứ 1.000 người sẽ có thêm 2,6 ca tử vong. Trong khi đó, vào những ngày cực lạnh, con số tăng lên là 12,8 ca tử vong.
Trong số các loại bệnh tim mạch, người bị suy tim dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết tiêu cực. Vào những ngày nóng khắc nghiệt, nguy cơ tử vong của họ cao hơn 12%. Những ngày lạnh, con số tăng lên là 37%.
"Chúng tôi không biết lý do tại sao ảnh hưởng của nhiệt độ lại rõ rệt hơn ở các bệnh nhân suy tim, có thể là do bản chất tiến triển của căn bệnh. Cứ 4 người bị suy tim thì một người phải trở lại bệnh viện trong vòng 30 ngày sau khi xuất viện. Chỉ 20% bệnh nhân sống sót sau 10 năm được chẩn đoán", tiến sĩ Haitham Khraishah, nhà nghiên cứu về bệnh tim mạch tại Đại học Maryland, cho biết.
Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng thời tiết lạnh gây tử vong nhiều hơn thời tiết nóng. Phân tích năm 2015 trên tạp chí The Lancet cho thấy nhiệt độ thấp có thể gây ra số ca tử vong cao gấp 17 lần so với nhiệt độ cao. Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét 384 địa điểm ở 13 quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh, Australia, Mỹ và Tây Ban Nha.
Trời lạnh có thể gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, làm trầm trọng thêm triệu chứng sa sút trí tuệ trầm cảm, gây thương tích chết người do trơn trượt, vấp ngã, làm gia tăng số vụ tai nạn xe hơi.
Nghiên cứu gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy đã có ít hơn 500.000 người chết trong 20 năm qua do thời tiết lạnh giá ở Anh và xứ Wales
Thục Linh (Theo Telegraph)