Là hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, sao Kim tương đối gần Trái Đất. Mặc dù đã được nghiên cứu trong một thời gian dài, với tàu thăm dò đầu tiên của NASA phóng lên vào năm 1978, hiểu biết về thời tiết của sao Kim đến nay vẫn còn rất hạn chế.
Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature hôm 21/7, các nhà thiên văn học do Giáo sư Takeshi Imamura từ Đại học Tokyo dẫn đầu báo cáo rằng họ đã lần đầu tiên nhìn thấy những đám mây và một số kiểu lưu thông gió kỳ lạ vào ban đêm trên hành tinh này. Khám phá được thực hiện bởi tàu thăm dò Akatsuki của Nhật Bản (đến quỹ đạo sao Kim vào năm 2015).
Giống như Trái Đất, sao Kim nằm trong "vùng ở được" của hệ Mặt Trời, khi có bề mặt rắn và một bầu khí quyển có thời tiết. Để hiểu thời tiết của một hành tinh, các khoa học cần nghiên cứu chuyển động của mây trong ánh sáng hồng ngoại.
Tuy nhiên, sao Kim là một trường hợp đặc biệt. Trong khi bản thân hành tinh này có tốc độ quay quanh trục chậm nhất so với bất kỳ hành tinh lớn nào trong hệ Mặt Trời, khiến ngày và đêm kéo dài rất lâu (một ngày sao Kim tương đương 120 ngày Trái Đất), bầu khí quyển của nó lại quay rất nhanh, có nghĩa là toàn bộ hệ thống thời tiết cũng quay rất nhanh. Ngay cả ánh sáng hồng ngoại cũng khó có thể nhìn rõ phía ban đêm của hành tinh.
Để khám phá khía cạnh bí ẩn này, camera trên tàu Akatsuki được trang bị một cảm biến đặc biệt có thể "nhìn" mà không cần ánh sáng mặt trời. Thực tế, nó vẫn chưa có khả năng ghi lại những quan sát chi tiết, nhưng thông qua phương pháp phân tích dữ liệu mới, thiết bị gián tiếp hé lộ thời tiết ban đêm khó nắm bắt của sao Kim.
"Các đám mây quy mô nhỏ trong ảnh chụp trực tiếp rất mờ nhạt và thường không thể phân biệt được với nhiễu xung quanh. Để xem chi tiết, chúng ta cần loại bỏ nhiễu. Điều này có thể được thực hiện bằng cách kết hợp nhiều hình ảnh với nhau, vì các đặc điểm thực trong một chồng hình ảnh tương tự có thể giúp xử lý nhiễu", Imamura giải thích.
Ngoài các đám mây, phương pháp phân tích mới còn cho phép nhóm nghiên cứu quan sát một số cơn gió bắc nam của sao Kim vào ban đêm.
"Điều đáng ngạc nhiên là những cơn gió này thổi ngược chiều với những cơn gió vào ban ngày. Một sự thay đổi mạnh mẽ như vậy không thể xảy ra mà không có hậu quả đáng kể. Phát hiện đó có thể giúp chúng ta xây dựng các mô hình chính xác hơn về hệ thống thời tiết của hành tinh", Imamura nói thêm.
Với ba sứ mệnh thám hiểm sao Kim được công bố gần đây, bao gồm hai tàu thăm dò DAVINCI+, VERITAS của NASA và tàu EnVision của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (dự kiến phóng vào cuối thập kỷ này hoặc đầu những năm 2030), các nhà thiên văn học hy vọng có thể giải đáp những câu hỏi bấy lâu nay về sao Kim và khí hậu của nó.
Đoàn Dương (Theo Space)