From: L H
Sent: Wednesday, April 16, 2008 10:38 AM
Subject: Gui nhung nang dau
Sóng trước đổ sao, sóng sau đổ vậy.
Đọc tâm sự của chị Thu Hằng, nhất là câu nói: "Mẹ chồng già mẹ chồng chết/Con dâu có nết con dâu được hưởng", với tư cách là một người phụ nữ đã làm dâu 12 năm, tôi rất đồng tình.
Chuyện nàng dâu, mẹ chồng ở xã hội Việt Nam, mặc dù đã ở thế kỷ 21, nhưng tôi thấy vẫn còn rất nặng nề, nhất là qua những tâm sự của chị em trên báo đài.
Thưa chị em, lúc lấy chồng, tôi mới có 22 tuổi, chưa từng hình dung cảnh mẹ chồng nàng dâu là như thế nào. Bản thân chồng tôi là con trai một, trên hai chị gái, dưới một em gái. Gia đình chồng tôi là người Hà Nội gốc, rất cơ bản, nề nếp, nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Mười hai năm qua, những việc của người con dâu, từ rửa ấm chén hằng ngày, đun nước để bố mẹ pha trà, nuôi dạy hai con trai, chăm sóc bố mẹ chồng lúc ốm đau, nằm viện, (có lần mẹ chồng tôi bị cảm tả, tôi đã lau rửa và giặt cả quần bị dây bẩn), rồi việc nhà việc cửa, việc đối nội đối ngoại phải chu đáo, việc cơ quan..., tôi đã làm và tự mình thấy rất ổn.
Đúng là 5 năm đầu tiên khi làm vợ, làm con dâu, tôi cũng đã trải qua những uất ức, căm giận với bố mẹ chồng, chị chồng, em chồng, thậm chí cả chồng tôi nữa. Có lần, tôi còn bị bố chồng mắng: "Bố mẹ mày không biết dạy mày à"… Thậm chí chồng tôi còn nói thẳng với tôi rằng: "Bố mẹ chỉ có một, còn vợ, không người này thì người khác". Trong quan hệ vợ chồng, chúng tôi cũng có nhiều điểm không tương đồng, vì thế, việc nuôi dạy hai con, một mình tôi đảm nhiệm. Khi mâu thuẫn với gia đình chồng lên đến đỉnh điểm, từng khiến tôi bỏ về nhà mẹ đẻ, thậm chí tôi còn làm cả đơn ly hôn...
Nhưng thưa chị em, sự hoá giải mâu thuẫn với gia đình chồng, với chồng lại chính là từ hai con trai tôi. Nhìn con mỗi ngày một lớn khôn, trong tôi bỗng ngộ ra một điều, một ngày không xa, tôi cũng sẽ làm mẹ chồng. Nhất là khi mẹ đẻ tôi dạy tôi rằng: "Làm người phải lấy cái tâm, cái đức làm trọng, chắc chắn mình sẽ được rất nhiều". Còn mẹ chồng tôi chỉ nói: "Sóng trước đổ sao, sóng sau đổ vậy". Vâng, những lời nói của mẹ đẻ, mẹ chồng, tình yêu với hai con đã làm triệt tiêu những suy nghĩ tiêu cực của tôi với gia đình chồng. Thù hận, uất ức mất hẳn. Trong tôi chỉ còn lại duy nhất một niềm tin sống hướng thiện, tôi sẽ được rất nhiều.
Tôi là một người phụ nữ bình thường như biết bao người phụ nữ khác. Gia đình tôi không phải là gia đình lắm tiền nhiều của, bản thân tôi cũng chỉ là một nhân viên văn phòng với đồng lương nhà nước trả, chồng tôi là một công nhân, trong thời buổi giá cả đắt đỏ như hiện nay, chúng tôi phải tằn tiện mới đủ sống.
Nhưng tôi vẫn tự hào vì tôi đã được, mặc dù có thể nó không là gì với nhiều người. Đó là, mỗi buổi sáng đi học, các con tôi nói với ông bà nội: "Con chào ông bà ạ, con xin phép ông bà con đi học ạ". Đưa con đến trường, con chào tôi: "Con chào mẹ, con yêu mẹ". Đó là mỗi buổi chiều đón con tan trường, con kể với tôi những niềm vui, những giận hờn nho nhỏ của con trẻ với các bạn; là những thành tích học tập của con như được đi thi học sinh giỏi; là tâm sự của con mỗi lần hai mẹ con tôi đi làm từ thiện, rằng con rất tự hào về mái ấm gia đình mình, con kính trọng ông bà nội, bố mẹ; là sự quan tâm của chị chồng, em chồng tôi với tôi khi họ nhìn thấy từ tôi có một tấm lòng...
Thưa chị em, như thế có được coi là hạnh phúc không?
Tương lai của các con tôi còn ở phía trước. Tôi chỉ có thể cố gắng sống thật tốt, giáo dục các con biết kính trọng ông bà, cha mẹ, lấy việc làm từ thiện để các con có một tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, và hơn thế nữa, mong các con sau này khi khôn lớn, trong hành trang của các con là niềm tự hào vì mình có một "mái ấm gia đình" theo đúng nghĩa.
Tôi kể câu chuyện làm dâu của tôi và đôi điều tâm sự gửi đến chị em, chỉ với một mong muốn được chia sẻ phần nào những bức xúc cảnh làm dâu, làm vợ...
Tôi chân thành mong chị em chúng ta sẽ tìm được cho mình con đường đi đến hạnh phúc.