Chủ nhật, 2/2/2025
Thứ bảy, 9/3/2019, 00:00 (GMT+7)

Xóm người miền Tây làm nghề kéo dây thừng ở Sài Gòn

Nhiều hộ dân di cư tới khu đất trống, kéo dây nylon ra để bện lại thành sợi dây thừng, kiếm 200.000 đồng mỗi người một ngày.

Xóm nhỏ ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP HCM) là nơi những người dân miền Tây mưu sinh với nghề bện dây thừng. Nhiều sợi dây nhỏ xíu được căng ra và đặt dưới máy kéo để cuộn các dây lại với nhau thành dây thừng thành phẩm.

"Người trong xóm hầu hết quê ở An Giang, lên Sài Gòn hơn hai chục năm nay rồi. Hồi ở quê nhà tôi cũng làm nghề này nhưng không đủ ăn, lên thành phố thì thu nhập mới khá hơn", ông Hai Của (70 tuổi) cho biết.

Công việc này đòi hỏi phải làm ở nơi rộng rãi, bằng phẳng. Những người dân hùn tiền thuê khu đất trống rộng hàng nghìn m2 và dựng nhà tạm bợ ngay tại đây. Có hơn chục gia đình cùng làm nghề này.

Cuộn dây sau khi cho vào máy kéo được căng ra và xỏ qua khe chiếc cào (thanh gỗ có những móc sắt tạo thành từng khe như chiếc lược). Tùy kích cỡ dây thừng mà mỗi khe có từ 5 đến 10 dây.

Một người cầm cây cào kéo đến căng dây đến cuối khu đất rồi lại kéo dây vòng về vị trí đặt máy kéo.

Cả khu đất với chiều dài khoảng 150 m được căng kín dây.

Khi máy chạy sẽ tao ra lực quấn các sợi dây nhỏ vào nhau thành dây thừng hoàn chỉnh.

"Để ra sợi dây thừng thành phẩm, mỗi ngày phải kéo dây đi lại rất nhiều lần, tính ra quãng đường di chuyển cũng gần 20 km. Công việc này chỉ hợp khi trời nắng ráo, mùa mưa thì chỉ làm cầm chừng", ông Phan Công Hùng (40 tuổi) cho biết.

Người thợ phải để ý các sợi dây khi đang cuộn, nếu gặp trục trặc có thể bị đứt. "Làm nghề này đòi hỏi phải kiên nhẫn, khi dây kéo ra bị dính nhau, nếu không để ý gỡ thì phải bỏ cả cuộn", bà Bùi Thị Tùng cho biết.

Những sợi dây thừng khi bện xong được cuộn lại từng bó to.

"Mỗi ký dây thừng được trả 2.000 - 5.000 đồng tùy kích cỡ. Nhà tôi có ba người làm việc này, mỗi người ngày bện cỡ trăm ký dây, kiếm được 200.000 đồng. Vào mùa mưa thì phải tranh thủ làm từ sáng sớm, có khi cả đêm để đảm bảo đủ sản lượng", bà Tùng chia sẻ.

Khuôn mặt đẫm mồ hôi khi phải kéo dây giữa trưa nắng, Sang (18 tuổi) cho biết, đã làm công việc được hơn ba năm nay. Cậu sinh ra khi cha mẹ đã lên Sài Gòn mưu sinh với nghề này.

"Hết lớp 9, nhà nghèo nên em nghỉ học. Em không thích làm dây thừng bởi cực nhọc, nay đây mai đó. Mấy anh chị của em đều đã bỏ nghề này đi làm công nhân. Em hy vọng sắp tới mình sẽ có công việc tốt hơn", chàng trai chia sẻ.

Các hộ ở trong xóm "kéo dây" đều mang theo cả con cái lên Sài Gòn, ở trong những căn nhà lụp xụp.

"Theo nghề này cũng bấp bênh, không biết chủ sẽ lấy lại đất bán lúc nào, khi đó cả xóm lại dắt nhau đi tìm nơi mới. Tuy vất vả nhưng thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống", ông Hai Của nói.

Quỳnh Trần